Dù muốn hay không thì đa số trẻ em đều mang trong mình vết sẹo nào đó từ thời thơ ấu. Có thể cha mẹ là những người nghiện công việc nên không dành đủ thời gian chăm sóc con. Hoặc do cha mẹ đặt quá nhiều áp lực buộc con phải thành công, và cuối cùng con rơi vào tình trạng lo lắng và cầu toàn vì cố gắng làm hài lòng cha mẹ để được cha mẹ yêu thương. Cũng có thể cha mẹ đã làm tổn thương con về thể xác hay tinh thần vì ngược đãi con, những vết thương mà người ta có thể mang theo suốt cả cuộc đời.
Trước hết, chúng ta hãy xem qua một vài lý do tiêu biểu vì sao cha mẹ làm con cái tổn thương.
Cha mẹ muốn tránh điều mà ông bà đã làm với họ
Nếu ngày xưa ông bà (nội/ngoại) không bao giờ tham gia vào những hoạt động thể thao của cha mẹ bạn, hoặc không hề quan tâm đến điểm số ở trường của cha mẹ, thì bây giờ có thể cha mẹ sẽ đối xử với con cái hoàn toàn ngược lại, tức là hết sức quan tâm để bảo đảm họ luôn có mặt trong mọi sinh hoạt của con, đến mức con cảm thấy ngột ngạt và bực bội. Có thể ông bà đã quá lỏng lẻo nên bây giờ cha mẹ quyết định lãnh đạo gia đình hết sức “chặt chẽ”; hoặc ngược lại. Thế hệ này sau có khuynh hướng nổi loạn chống lại thế hệ trước, và chúng ta thấy rõ điều này trong mối quan hệ cha mẹ – con cái.
Có thể cha mẹ cũng có những tổn thương chưa được chữa lành
Có lẽ cha mẹ cũng bị tổn thương nghiêm trọng thời thơ ấu và họ đem theo vết thương đó vào hôn nhân. Cơ Đốc nhân thường suy nghĩ cách sai lầm rằng hôn nhân có thể giải quyết mọi vấn đề. Điều này không đúng. Thật ra, hôn nhân sẽ làm cho vấn đề càng trầm trọng thêm nếu không được giải quyết trước khi kết hôn.
Nếu cha mẹ chưa bao giờ chữa lành cách đúng đắn vết thương thưở thơ ấu của mình, cho dù là do chính ba mẹ của họ gây ra, thì bây giờ vết thương đó sẽ ảnh hưởng trên con cái của họ. Việc này cũng giống như điều mà các tiếp viên hàng không thường nói với hành khách trước khi cất cánh: “Hãy đeo mặt nạ dưỡng khí cho chính mình trước khi giúp con mình.” Khi cha mẹ không đeo mặt nạ dưỡng khí, họ không thể thở, và do đó họ không thể giúp cho con. Thật vậy, cuối cùng có thể họ còn làm hại con.
Có thể cha mẹ không biết họ đã hoặc đang làm tổn thương con mình
Tất cả chúng ta đều có những điểm mù và có xu hướng tập trung vào bên trong. Cho nên, thường chúng ta không thấy hành động của mình có thể ảnh hưởng đến những người xung quanh như thế nào. Ngay cả những bậc cha mẹ luôn muốn điều tốt nhất cho con cũng có thể vô tình làm tổn thương con. Có lẽ những thói quen độc hại mà họ đã mắc phải hoặc tấm gương nuôi dạy con sai trật mà họ nhìn thấy (1 Cô 15:33) đã ảnh hưởng đến cách họ nuôi dạy con.
Dĩ nhiên, chúng ta có thể liệt kê nhiều lý do khác nữa. Nhưng cốt lõi của vấn đề là hầu hết chúng ta đều mang theo bên mình tuổi thơ với những tổn thương do cha mẹ gây ra. Vậy thì chúng ta phải làm gì? Kinh Thánh nói nhiều về việc vâng lời cha mẹ. Nhưng còn tha thứ cho họ thì sao? Chúng ta không có câu Kinh Thánh cụ thể nào nói rằng “đây là cách các ngươi tha thứ cho cha mẹ”, nhưng chúng ta có thể tìm thấy nhiều câu Kinh Thánh nói đến việc tha thứ cho những người có lỗi với mình.
Kinh Thánh nói rõ rằng chúng ta nên tha thứ cho người khác, nhất là những người làm chúng ta tổn thương. Nhưng làm sao để tha thứ? Chúng ta cần lưu ý rằng tha thứ không phải lúc nào cũng có nghĩa là phải làm bạn với người đó. Chúng ta có thể tha thứ cho những người mình cần phải tránh xa. Và điều đáng buồn là trong nhiều trường hợp, người đó chính là cha mẹ mình.
Dưới đây là một số cách có thể giúp chúng ta tha thứ cho cha mẹ và hướng đến sự giải hoà. Có những trường hợp cha mẹ sẽ không muốn cùng bạn đi trên con đường đó. Hãy cứ giao phó cho Chúa và làm điều bạn có thể làm để rịt lành mối quan hệ đã bị tổn thương.
1. Nhận biết rằng Chúa đã dùng cha mẹ để uốn nắn bạn
Hãy nghĩ đến gương của Giô-sép. Các anh của cậu đã bán cậu làm nô lệ, và cậu cô đơn tại xứ Ai Cập suốt quãng đời thơ ấu còn lại cho đến khi trưởng thành. Dù các anh đã đối xử rất tệ với Giô-sép, nhưng Chúa đã dùng điều đó để Giô-sép kinh nghiệm sự tể trị, chăm sóc, khôn ngoan, nhân từ,… của Ngài, và đỉnh điểm là Ngài cất nhắc Giô-sép lên vị trí rất cao để cứu Ai Cập và các nước lân cận khỏi nạn đói. Chắc chắn trong chừng ấy năm sống xa gia đình, Chúa đã dạy Giô-sép nhiều điều và Ngài uốn nắn ông trở thành một người thích hợp cho vị trí lãnh đạo. Cũng vậy, chúng ta có thể không hài lòng về cha mẹ và gia đình mình, nhưng phải nhận biết rằng không ai trong chúng ta được lựa chọn cha mẹ hay gia đình. Chỉ bởi ý muốn của Chúa mà chúng ta có mặt trong gia đình của mình. Đó là công cụ Ngài muốn sử dụng để khuôn đúc chúng ta.
2. Cầu nguyện cho cha mẹ và nhận biết họ cũng đã bị tổn thương thế nào
Kinh Thánh dạy chúng ta phải cầu nguyện cho kẻ thù (Ma-thi-ơ 5:44), và đôi khi “kẻ thù” đó là cha mẹ của chúng ta. Chúng ta cũng cần hiểu rằng những người gây tổn thương cho người khác thường là những người đã bị tổn thương. Có thể chúng ta là nguồn hy vọng duy nhất của cha mẹ để giúp họ nghe về Đấng Christ hoặc giúp họ xác tín niềm tin của mình nếu họ đã sai lạc. Vì vậy hãy cầu nguyện cho họ.
3. Đối diện với họ bằng tình yêu thương
Trong các trường hợp phải áp dụng kỷ luật trong Hội thánh, Kinh Thánh bảo chúng ta phải đến gặp người có lỗi với chúng ta trước, trước khi chúng ta mời người khác đến (Ma-thi-ơ 18:15). Cũng vậy, hãy nói thật cho cha mẹ biết họ đã làm tổn thương bạn như thế nào, nhưng cũng bày tỏ tinh thần tha thứ và giải hoà.
4. Hiểu rằng sự giải hoà phải đến từ hai phía
Bạn có thể tìm mọi cách có thể để giải hoà với cha mẹ, nhưng họ khước từ. Họ có thể không muốn thừa nhận tổn thương đã gây ra cho bạn và trách nhiệm của họ trong vấn đề. Trong tình huống như vậy, hãy tiếp tục kiên trì cầu nguyện xin Chúa làm mềm lòng họ.
Không có cha mẹ hoàn hảo. Nhiều cha mẹ luôn muốn điều tốt cho con, nhưng vẫn làm cho con bị tổn thương. Kinh Thánh dạy chúng ta tha thứ cho những người làm tổn thương mình. Tha thứ là phần của chúng ta, còn giải hoà đòi hỏi hành động từ hai phía. Cho dù kết quả ra sao chúng ta cũng biết rằng khi dang tay tha thứ cho cha mẹ, Chúa sẽ hành động ngay cả khi chúng ta không nhìn thấy.
Lược dịch theo crosswalk.com
*Quý tín hữu có thắc mắc hay vấn đề cần chia sẻ với GÓC TÂM VẤN, vui lòng bấm vào link này để ghi nội dung muốn chia sẻ https://forms.gle/UbSbMHVAAqLSWtfN9
*Quý tín hữu nào chưa thỏa lòng với câu trả lời hoặc muốn trao đổi thêm với Góc Tâm vấn, xin để lại địa chỉ email hoặc số điện thoại để Góc Tâm vấn có thể gửi phản hồi cho quý vị. Xin cảm ơn.
T
1
Kinh Thánh: Giăng 1:35-39 "Ngày mai, Giăng lại ở đó với hai môn đồ mình;…
Kinh Thánh: Giăng 1:30-34 "Ấy về Đấng đó mà ta đã nói: Có một người…
HỎI: Tại sao Chúa Giê-xu lại che giấu thân phận Đấng Messiah của mình trong…
Kinh Thánh: Giăng 1:29 "Qua ngày sau, Giăng thấy Đức Chúa Jêsus đến cùng mình,…
Kinh Thánh: Giăng 1:24-28 "Những kẻ chịu sai đến cùng Giăng đều là người Pha-ri-si.…
Kinh Thánh: Giăng 1:19-23 "Nầy là lời chứng của Giăng, khi dân Giu-đa sai mấy…