Tôi được biết tín hữu trong một số Hội Thánh trước giờ có làm Lễ Cảm tạ Chúa, kỷ niệm người thân qua đời (nhân ngày chết, sinh nhật, ngày cưới… của người đã chết), họ mời Hội Thánh đến dự: cầu nguyện và ăn uống với nhau. Làm như vậy có phù hợp với đức tin không? Họ làm giống như đám giỗ Tin Lành (chỉ khác là không nhang đèn, bái lạy…), rồi họ lấy lý do là Kinh Thánh không cấm, làm vậy để người đời không nói là đạo Tin Lành bỏ ông bỏ bà, thậm chí đây còn là cơ hội để nói về Chúa cho người chưa tin trong gia đình, trong khi nội quy Hội Thánh Tin Lành Việt Nam không cho phép kỷ niệm người chết. Riêng cá nhân tôi cũng sẽ không tham dự, nhưng làm thế nào để giúp con cái Chúa hiểu và không làm như vậy nữa. Chân thành cảm ơn.
Bạn thân mến,
Có một số gia đình con cái Chúa làm Lễ Cảm tạ, kỷ niệm ngày mất của người chết hoặc ngày sinh nhật của người đã qua đời, mục đích để các thành viên trong gia đình, dòng họ có cơ hội họp mặt với nhau để tưởng nhớ công ơn ông bà, cha mẹ. Về khía cạnh truyền thống gia đình thì đây là điều rất tốt. Tuy nhiên, ở một phương diện khác, nếu con cái Chúa làm như vậy chẳng khác gì đám giỗ, dễ gây cho người ngoại hiểu lầm đây là “đám giỗ Tin Lành” và gây cớ vấp phạm khiến họ nghĩ rằng người Tin Lành cũng như người đời. Chưa kể đến, có những con cái Chúa yếu đức tin sẽ bị ảnh hưởng không tốt, họ thấy điều này bình thường, rồi sẽ đi dự đám giỗ của người ngoại mà không biết rằng việc làm này không đẹp lòng Chúa (Ê-phê-sô 5:8-11). Sứ đồ Phao-lô nói rằng: “Cho nên, nếu đồ ăn xui anh em tôi vấp phạm, thì tôi sẽ chẳng hề ăn thịt, hầu cho khỏi làm dịp vấp phạm cho anh em tôi” (I Cô-rinh-tô 8:13). Như vậy, nếu một bữa tiệc kỷ niệm ngày mất hoặc ngày sinh nhật của người quá cố mà gây cớ vấp phạm cho nhiều người thì con cái Chúa không nên làm.
Hằng năm, nếu con cháu trong gia đình muốn tổ chức một bữa tiệc để các thành viên trong gia đình có dịp gặp gỡ nhau, họp mặt để nhắc nhở về công ơn sinh thành, dưỡng dục của ông bà, cha mẹ thì nên chọn ngày Hiếu Kính Cha Mẹ (Lễ Mẫu Thân hoặc Phụ Thân) hoặc vào dịp Tết Nguyên Đán. Nhân dịp này con cháu ngồi lại kể cho nhau nghe những kỷ niệm đẹp khi ông bà cha mẹ còn sống đã làm và nhắc nhở nhau tiếp tục sống phải yêu thương, hòa thuận để giữ gìn danh thơm tiếng tốt của gia đình, dòng họ. Đây là cách con cháu bày tỏ lòng hiếu kính thiết thực nhất dành cho ông bà, cha mẹ; còn hơn chúng ta tổ chức những bữa tiệc linh đình, thịnh soạn, nhưng anh chị em, con cháu trong gia đình sống không yêu thương nhau, không hòa thuận thì ý nghĩa của bữa tiệc kỷ niệm cũng trở nên vô nghĩa mà thôi.
Về việc làm chứng cho người chưa tin trong gia đình, chúng ta có nhiều cơ hội và nhiều cách để nói về Chúa cho họ, chứ không nhất thiết phải tổ chức kỷ niệm ngày mất của người quá cố thì mới làm chứng về Chúa cho họ được. Vì có một số bữa tiệc, người nhà lạm dụng sử dụng rượu bia, say sưa và gây gỗ đánh nhau. Như vây, có làm sáng danh Chúa không hay là chỉ gây nên hậu quả tồi tệ hơn mà thôi?! Khi có cơ hội, con cái Chúa có thể giải thích cho người chưa tin biết rằng người Tin Lành không bỏ ông bỏ bà, không bất hiếu. Vì điều răn thứ năm Đức Chúa Trời dạy rằng: “Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, hầu cho ngươi được sống lâu trên đất mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban cho” (Xuất Ê-díp-tô-ký 20:12) và “Ai đánh cha mẹ, phải bị xử tử”, “Ai chửi rủa cha mẹ, phải bị xử tử” (Xuất Ê-díp-tô-ký 21:15,17). Đây là tiêu chuẩn đầu tiên trong bổn phận giữa con người đối với nhau. Chúa muốn chúng ta yêu mến, tôn trọng và hết lòng phụng dưỡng ông bà, cha mẹ lúc còn sống bằng những việc làm cụ thể như ân cần hỏi thăm, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ khi cha mẹ già yếu, ốm đau, bệnh tật. Đến khi cha mẹ qua đời, con cháu phải lo an táng chu đáo. Lòng hiếu thảo chỉ có giá trị thực sự khi chúng ta làm điều đó cho ông bà, cha mẹ lúc còn sống. Còn những bữa tiệc kỷ niệm chỉ mang tính chất hình thức, chứ không có ý nghĩa gì vì rõ ràng ông bà, cha mẹ không “trở về” để hưởng những điều đó. Ngày nay, có nhiều con cái Chúa dễ bị pha trộn nửa đạo, nửa đời, bị ảnh hưởng những phong tục, tập quán của thế gian, nhưng không nhận biết đâu là đúng, đâu là sai. Điều này rất nguy hiểm. Sứ đồ Phao-lô khuyên chúng ta: “Đừng làm theo đời này, những hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào” (Rô-ma 12:2) và “Mọi sự đều có phép làm nhưng chẳng phải mọi sự đều có ích. Mọi sự đều có phép làm nhưng chẳng phải mọi sự đều làm gương tốt” (I Cô-rinh-tô 10:23). Việc con cái Chúa tổ chức ăn uống để nhớ về người quá cố có trở nên ích lợi hay trở thành những điều không hay, làm ảnh hưởng không tốt đến đạo Chúa đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định để danh Chúa được vinh hiển (I Cô-rinh-tô 10:31). Tóm lại, tốt hơn hết là quý con cái Chúa không nên tổ chức kỷ niệm ngày mất hay ngày sinh nhật của người quá cố để tránh lời đàm tếu của người ngoại và gây cớ vấp phạm khiến nhiều người hiểu sai về đạo Chúa.
Cảm ơn bạn đã gởi câu hỏi về Góc Tâm Vấn. Cầu xin Chúa ban phước cho bạn để trở thành ống dẫn ơn phước đến cho nhiều người.
Thân ái,
*Quý tín hữu có thắc mắc hay vấn đề cần chia sẻ với GÓC TÂM VẤN, vui lòng bấm vào link này để ghi nội dung muốn chia sẻ https://forms.gle/UbSbMHVAAqLSWtfN9
*Quý tín hữu nào chưa thỏa lòng với câu trả lời hoặc muốn trao đổi thêm với Góc Tâm vấn, xin để lại địa chỉ email hoặc số điện thoại để Góc Tâm vấn có thể gửi phản hồi cho quý vị. Xin cảm ơn.