Kinh Thánh: Mác 11:18-19
“Các thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo nghe mấy lời, bèn kiếm cách diệt Ngài; vì họ sợ Ngài, tại cả đoàn dân cảm động sự dạy dỗ của Ngài lắm. Đến chiều, Ngài và môn đồ ra khỏi thành.” (BTT)
Lẽ thật có những đặc tính đáng chú ý. Những ai vâng phục lẽ thật sẽ được ban phước; nhưng những ai chống lại lẽ thật không chỉ rủa sả bản thân, mà họ còn muốn tiêu diệt người nói ra lẽ thật. Những người đứng lên tố giác hiếm khi được trân trọng. Tại giai đoạn này trong chức vụ của Chúa Jêsus, Ngài đang cho biết sự kết thúc của trò hề tôn giáo kéo dài nhiều thế kỷ, đưa ra hình ảnh nói trước về sự phán xét trong tương lai (Mác 13:2). Những người có quyền lực ghét Ngài vì điều đó, nhưng những người bình thường thì cảm động trước uy quyền trong sự dạy dỗ của Ngài (Mác 1:22). Chúa Jêsus giảng dạy lẽ thật vì Ngài là Lẽ Thật (Giăng 14:6).
Chúa Jêsus đã được đoàn dân tôn làm Vua (Mác 11:8-11); Ngài quở trách thẩm quyền của thầy cả thượng phẩm (Cai-phe đã cấp quyền cho các quầy hàng trong đền thờ) (Mác 11:15), canh giữ đền thờ như những gì mà các thầy tế lễ thuộc chi phái Lê-vi nên làm (Nê-hê-mi 13:22), và nói trước về đền thờ đa quốc gia và liên sắc tộc của Hội Thánh Ngài (Mác 11:17). Chúa Jêsus có mục đích tạo cơ hội để các nhà cầm quyền tôn giáo và nhà cầm quyền thế gian tìm thấy mục tiêu chung: sự chết của Ngài (Công vụ 4:27).
Đoàn dân càng nhìn biết uy quyền của Ngài, thì các giáo sư giả của Y-sơ-ra-ên càng thấy uy quyền của họ mất dần đi (Giăng 5:16-18). Nhưng nhóm người được xem là ưu tú này rơi vào tình huống khó xử: nếu họ giết Chúa Jêsus được nhiều người yêu mến, thì sự loạn lạc của công chúng sẽ đe dọa quyền hạn đã được dàn xếp kỹ lưỡng của họ trước sự chiếm đóng của người La Mã; nhưng nếu họ không làm vậy, thì quyền hạn được công nhận giữa những người Giu-đa của họ sẽ tan rã (Ma-thi-ơ 26:3-5). Vì vậy, họ đã tìm cách giết Ngài mà vẫn làm hài lòng cả người La Mã lẫn người Giu-đa, đồng thời duy trì quyền lực của họ ở cả hai bên.
Mưu đồ chính trị không bao giờ là cách để phục vụ cho mục đích của Chúa (những vấn đề chính trị nhỏ nhặt tại nơi làm việc cũng vậy), nhưng điều đó đã trở thành thói quen của thời đại chúng ta. Những “câu chuyện lèo lái dư luận” và “tin giả” khiến nhiều người không khỏi băn khoăn đâu là lẽ thật. Trong Hội Thánh, mọi mưu mô như vậy sẽ làm lệch hướng việc giảng dạy Phúc Âm. Điều lạ lùng là Phúc Âm có khả năng cảm động chúng ta, và khi đã hoàn toàn trải nghiệm sự cảm động đó, chúng ta không thể nhìn thấy hay tập trung vào bất kỳ điều gì khác. Nhưng đồng thời, chúng ta phải giữ gìn Hội Thánh khỏi các giáo sư giả hoặc những người muốn lợi dụng Phúc Âm cho quyền lực của riêng họ (Công vụ 20:28-31). Điều đó khiến bạn tự hỏi liệu những người khao khát quyền lực chính trị đã bao giờ được trải nghiệm sự tự do đáng kinh ngạc của Phúc Âm chưa. Phương cách chính là ăn năn, sau đó dầm mình trong sự dạy dỗ của Chúa Jêsus, sự cảm động sẽ định hướng cho tất cả những khát vọng của chúng ta.
Kính lạy Đức Chúa Cha. Tạ ơn Ngài vì sự giảng dạy của Chúa Jêsus được hoạch định để khiến con cảm động, và quả thật là như vậy. Xin Chúa tha tội cho con nếu con không chú tâm vào lẽ thật. Xin giúp con để cho lẽ thật diệu kỳ của Chúa Jêsus định hướng lại khát vọng của con; trong gia đình, tại nơi làm việc và tại Hội Thánh. Xin khiến con quan tâm đến Chúa Jêsus hơn chính mình con. Con cầu nguyện nhân danh Chúa Jêsus. Amen.
Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work
Kinh Thánh: Giăng 1:35-39 "Ngày mai, Giăng lại ở đó với hai môn đồ mình;…
Kinh Thánh: Giăng 1:30-34 "Ấy về Đấng đó mà ta đã nói: Có một người…
HỎI: Tại sao Chúa Giê-xu lại che giấu thân phận Đấng Messiah của mình trong…
Kinh Thánh: Giăng 1:29 "Qua ngày sau, Giăng thấy Đức Chúa Jêsus đến cùng mình,…
Kinh Thánh: Giăng 1:24-28 "Những kẻ chịu sai đến cùng Giăng đều là người Pha-ri-si.…
Kinh Thánh: Giăng 1:19-23 "Nầy là lời chứng của Giăng, khi dân Giu-đa sai mấy…