Kinh Thánh: Lu-ca 14:16-17
“Nhưng Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Có người kia dọn tiệc lớn, mời nhiều người ăn. Khi đến giờ ăn, sai đầy tớ mình đi nói với những kẻ được mời rằng: Hãy đến, mọi sự đã sẵn rồi.” (BTT)
Mặc dù một số nền văn hóa có quan niệm thoải mái về việc “đúng giờ”, nhưng hầu hết những ai đi làm đều biết rằng “thời gian là tiền bạc”. Bất cứ việc gì không làm ngày hôm nay thì không thể làm gấp gáp ngày mai, và việc không đặt hàng kịp thời có nghĩa là khi cần đến thì không có để sử dụng. Các giáo viên phải tập hợp lớp học của họ vào một thời điểm cụ thể, và những cuộc họp phải được sắp xếp vào một thời điểm cụ thể, nếu không thì mọi người sẽ không biết khi nào cần có mặt. Nói cách khác, chúng ta đang sống trong một thế giới bị chi phối bởi thời gian và không gian: đối với mỗi “việc” chúng ta làm, đều sẽ có một “thời điểm” đi kèm theo.
Việc tiếp nhận lời mời vào vương quốc của Đức Chúa Trời cũng tương tự như vậy. Chúa Jêsus dùng ẩn dụ về bữa tiệc lớn để nói về mọi việc Đức Chúa Trời sắm sẵn nhằm đón tiếp tất cả những ai tin và bằng lòng tiếp nhận lời mời gọi của Ngài. Câu chuyện được thuật lại rất rõ ràng, không một chút mơ hồ. Bữa tiệc đã được ghi trong “nhật ký” của Đức Chúa Trời vào một thời điểm nhất định và mọi sự chuẩn bị đang được tiến hành cách chu đáo để chào mừng những vị khách mời.
Bên cạnh hình ảnh người chủ nhà và các vị khách mời, câu chuyện của Chúa Jêsus cũng giới thiệu về người đầy tớ của chủ. Ê-sai 42:1 cho biết Đầy tớ của Đức Chúa Trời được hiểu là Đấng Mết-si-a (Đấng Christ). Vào đúng thời điểm (Ga-la-ti 4:4), những lời mời đã được chính Chúa Jêsus công bố gửi đến từng người, với lời chỉ dẫn: “Hãy đến… rồi”. Tuy nhiên, lời kêu gọi của Ngài đã bị phần lớn dân Y-sơ-ra-ên khước từ (Lu-ca 13:34-35). Nhưng chính sứ điệp Phúc Âm đó đã được các sứ đồ và các nhà truyền giáo sau này rao giảng qua nhiều thời đại (Lu-ca 24:46-47).
Đúng là Đức Chúa Trời không bị giới hạn bởi thời gian hay không gian, nhưng chúng ta thì có. Vì vậy, thời điểm thích hợp nhất để chúng ta đáp lại tiếng của Chúa là “ngay bây giờ”. Có thể là quá muộn nếu đợi đến ngày mai. Mặc dù Đức Chúa Trời là Đấng nhịn nhục và chậm nóng giận (Giô-ên 2:13), nhưng thật dại dột khi thử lòng nhịn nhục của Ngài. Đến một lúc nào đó, việc không đáp lại Lời Chúa sẽ xem như câu trả lời “không” chắc chắn như khi sự chết xảy đến để kết thúc tất cả (Sáng thế Ký 6:3). Vì vậy, Thi thiên 95:6-8 nói: “Hãy đến, cúi xuống mà thờ lạy; Khá quì gối xuống trước mặt Đức Giê-hô-va, là Đấng Tạo Hóa chúng tôi! Vì Ngài là Đức Chúa Trời chúng tôi: Chúng tôi là dân của đồng cỏ Ngài, Và là chiên tay Ngài dìu dắt. Ngày nay, nếu các ngươi nghe tiếng Ngài, Chớ cứng lòng…” Việc đáp lại Lời Chúa khi bạn nghe tiếng phán của Ngài là vô cùng quan trọng. Đừng chậm trễ!
Lạy Cha Thiên Thượng. Cảm tạ Chúa vì Ngài đã có chương trình cho dân sự Ngài và sẵn sàng chào đón tất cả những ai bằng lòng tin nhận Chúa Jêsus. Cảm ơn Ngài vì cũng đã cho con cơ hội để vâng phục Chúa và nhận lãnh những ơn phước Ngài ban. Xin tha thứ cho con khi đã không đáp lại và bỏ lỡ những cơ hội được góp phần làm vinh hiển danh Chúa để được Ngài ban phước. Con xin ăn năn về sự chậm trễ của con và xin Ngài giúp đỡ để mỗi ngày con sốt sắng dự phần vào công việc Chúa càng hơn, cho đến khi Chúa Jêsus trở lại để tiếp rước những ai tin Ngài về nơi đã được sắm sẵn cho họ trong thiên đàng. Trong danh Chúa Jêsus. Amen.
Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work
Kinh Thánh: Giăng 1:35-39 "Ngày mai, Giăng lại ở đó với hai môn đồ mình;…
Kinh Thánh: Giăng 1:30-34 "Ấy về Đấng đó mà ta đã nói: Có một người…
HỎI: Tại sao Chúa Giê-xu lại che giấu thân phận Đấng Messiah của mình trong…
Kinh Thánh: Giăng 1:29 "Qua ngày sau, Giăng thấy Đức Chúa Jêsus đến cùng mình,…
Kinh Thánh: Giăng 1:24-28 "Những kẻ chịu sai đến cùng Giăng đều là người Pha-ri-si.…
Kinh Thánh: Giăng 1:19-23 "Nầy là lời chứng của Giăng, khi dân Giu-đa sai mấy…