Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 26:17-19
“Trong ngày thứ nhất ăn bánh không men, môn đồ đến gần Đức Chúa Jêsus mà thưa rằng: Thầy muốn chúng tôi dọn cho thầy ăn lễ Vượt qua tại đâu? Ngài đáp rằng: Hãy vào thành, đến nhà một người kia, mà nói rằng: Thầy nói: Giờ ta gần đến; ta và môn đồ ta sẽ giữ lễ Vượt qua trong nhà ngươi. Môn đồ làm y như lời Đức Chúa Jêsus đã dạy mà dọn lễ Vượt qua.” (BTT)
Dù có thể chúng ta thích nghĩ rằng chúng ta đã lập kế hoạch cho cuộc đời của mình, nhưng dường như cuộc sống hiếm khi diễn ra như mong đợi. Nhưng với Chúa Jêsus thì khác. Ngài đạt đến đỉnh cao của chức vụ khi trở thành Chiên Con của Lễ Vượt qua để cất tội lỗi của thế gian. Mặc dù bị bắt và bị giết, nhưng Ngài vẫn kiểm soát từng chi tiết. Ngài không phải là nạn nhân của lòng tham hay sự ganh tị của con người, cũng không phải là kẻ thất bại trong cuộc tranh giành quyền lực – mặc dù có tất cả các yếu tố này – bởi vì Ngài có thể sử dụng từng suy nghĩ và hành động tội lỗi để thực hiện mục đích của Đức Chúa Trời.
Lễ Vượt qua là lễ kỷ niệm cuộc xuất hành ra khỏi Ai Cập trước đó 1500 năm (Xuất Ê-díp-tô Ký đoạn 11 & 12). Vào thời điểm đó, Pha-ra-ôn (vua Ai Cập) đang sử dụng dân Y-sơ-ra-ên làm nô lệ để xây dựng thành phố kho báu và ông đã từ chối lệnh của Đức Chúa Trời, thông qua Môi-se, để cho dân của Ngài ra đi. Vì vậy, Đức Chúa Trời đã giáng 10 tai vạ, tai vạ cuối cùng là cái chết của con đầu lòng trong mỗi gia đình tại Ai Cập, gồm cả con của Pha-ra-ôn.
Tuy nhiên, Ngài đã báo trước kế hoạch của Ngài cho Môi-se. Ông bảo dân Y-sơ-ra-ên giết một con chiên đực không tì vít rồi lấy huyết của nó sơn lên khung cửa nhà họ ở – bởi vì Đức Chúa Trời phán “Khi ta nhìn thấy huyết, thì sẽ vượt qua”. Đó là lý do tại sao có lễ Vượt qua. Vì vậy, trong mỗi gia đình đều có sự chết chóc, hoặc con đầu lòng hoặc con chiên.
Chúa Jêsus muốn tổ chức kỷ niệm ngày lễ này với các môn đồ trước khi Ngài trở thành Chiên Con tối hậu của Lễ Vượt qua để có thể cất đi cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời vì sự phản nghịch của chúng ta. Chỉ những ai tin cậy Chúa Jêsus mới được huyết Ngài che chở, được cứu chuộc khỏi hình phạt của địa ngục và có sự sống vĩnh hằng. Bữa ăn tại Phòng Cao cũng đã được lên kế hoạch. Chúa Jêsus ra lệnh cho chủ nhà và cho phép các môn đồ chuẩn bị bữa ăn mừng đặc biệt. Đó sẽ là khoảng thời gian được khắc sâu vào tâm trí các môn đồ và sẽ là nền tảng cho sự giảng dạy thiết yếu cho Hội Thánh. Tất cả đã được lên kế hoạch. Chúa thật sự nắm quyền kiểm soát. Ngài vẫn tể trị và sẽ luôn luôn như vậy. Ngài tạo ra niềm vui từ những nỗi buồn (như sự chết và sự phục sinh của chính Ngài). Ngài dùng sự hung bạo khủng khiếp của những con người tội lỗi để giải hòa với Đức Chúa Trời. Sự từ chối vâng phục của những kẻ nổi loạn không ngăn cản được Ngài và sự thù địch không đe dọa được Ngài. Ngài hiếu khách dù bị căm thù và yêu thương khi bị bao vây bởi những người chỉ trích. Không điều gì có thể đánh gục Đức Chúa Trời. Đó là lý do tại sao chúng ta có thể tự tin theo Chúa Jêsus, đặc biệt khi biết rằng huyết của Ngài bảo vệ chúng ta khỏi sự chết đời đời khi chúng ta đặt lòng tin nơi Ngài.
Lạy Chúa là Chủ của cuộc đời con, cảm ơn Chúa vì Ngài điều khiển mọi sự. Xin tha thứ cho con vì những lúc con đã nghi ngờ Ngài hoặc sợ hãi không vâng lời vì ngay từ đầu con không thấy được kết quả. Xin giúp con tin cậy Ngài trong từng hoàn cảnh vì Chúa Jêsus là An-pha và Ô-mê-ga, là Khởi đầu và Kết thúc. Nhân danh Chúa Jêsus. Amen.
Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work
Kinh Thánh: Giăng 1:35-39 "Ngày mai, Giăng lại ở đó với hai môn đồ mình;…
Kinh Thánh: Giăng 1:30-34 "Ấy về Đấng đó mà ta đã nói: Có một người…
HỎI: Tại sao Chúa Giê-xu lại che giấu thân phận Đấng Messiah của mình trong…
Kinh Thánh: Giăng 1:29 "Qua ngày sau, Giăng thấy Đức Chúa Jêsus đến cùng mình,…
Kinh Thánh: Giăng 1:24-28 "Những kẻ chịu sai đến cùng Giăng đều là người Pha-ri-si.…
Kinh Thánh: Giăng 1:19-23 "Nầy là lời chứng của Giăng, khi dân Giu-đa sai mấy…