Kinh Thánh: Lu-ca 3:1-3
“Năm thứ mười lăm đời Sê-sa Ti-be-rơ, khi Bôn-xơ Phi-lát làm quan tổng đốc xứ Giu-đê, Hê-rốt làm vua chư hầu xứ Ga-li-lê, Phi-líp em vua ấy làm vua chư hầu xứ Y-tu-rê và tỉnh Tra-cô-nít, Ly-sa-ni-a làm vua chư hầu xứ A-by-len, An-ne và Cai-phe làm thầy cả thượng phẩm, thì có lời Đức Chúa Trời truyền cho Giăng, con Xa-cha-ri, ở nơi đồng vắng. Giăng bèn dạo qua hết thảy miền lân cận sông Giô-đanh, giảng dạy phép báp-têm về sự ăn năn để được tha tội.” (BTT)
Tại sao bất kỳ ai muốn tìm kiếm sự thật đều nên đọc các tài liệu cổ xưa? Lu-ca muốn tìm kiếm và truyền tải sự thật về Chúa Jêsus (Lu-ca 1:1-4). Tất cả các sự kiện có thật đều diễn ra tại một thời điểm cụ thể ở một nơi cụ thể. Vì vậy, sự chú trọng chi tiết lịch sử của Lu-ca giúp chúng ta tự tin bác bỏ những người tuyên bố rằng Kinh Thánh không có thật. Nhiều nhân vật trong Lu-ca vẫn còn sống khi sách được xuất bản; nếu có điều gì đó không đúng, họ có thể lên tiếng. Phao-lô cũng kêu gọi các nhân chứng sống xác minh những lần hiện ra của Chúa Jêsus lúc Ngài sống lại (I Cô-rinh-tô 15:3-8).
Những câu Kinh Thánh này cho chúng ta biết thời điểm mà chức vụ của Giăng bắt đầu, đó là vào năm 29 (sau Chúa), tức là năm thứ 15 dưới thời trị vì của Hoàng đế Ti-be-rơ. Toàn bộ Đế chế La Mã sẽ biết điều đó. Bôn-xơ Phi-lát cai trị khu vực phía Nam của Y-sơ-ra-ên từ năm 26 đến năm 36 SCN. Vua Hê-rốt An-ti-ba đã kiểm soát Ga-li-lê từ năm thứ 2 TCN đến năm 34 SCN, và Phi-líp, em trai ông cai trị phía Đông của Giô-đanh từ năm thứ 4 TCN đến năm thứ 34 SCN. Những người Do Thái sùng đạo hẳn biết rõ điều đó. Còn đối với những người Do Thái bị bắt bớ và phân tán khắp nơi, họ biết rằng An-ne và Cai-phe được xem là những thầy cả thượng phẩm ngang chức nhau vào thời đó.
Sau khi xác định niên hiệu cho tất cả độc giả được biết, Lu-ca giới thiệu lại Giăng: hiện ông không còn là một đứa trẻ nữa (Lu-ca 1:57-66), mà là người của Đức Chúa Trời. Giăng là con trai của thầy tế lễ nhưng được kêu gọi làm tiên tri để rao báo sự xuất hiện của Chúa Jêsus. Ông đã thực hiện điều đó bằng cách truyền dạy mọi người ăn năn tội lỗi của họ và công khai xưng tội trong lúc chịu báp-têm. Những người Do Thái sùng đạo được yêu cầu thừa nhận rằng tấm lòng của họ cũng xấu xa như những kẻ vô đạo, lễ báp-têm là cột mốc để thừa nhận quyền tể trị của Đức Chúa Trời trên họ, từ bỏ lối sống vô thần. Sau đó, những người được báp-têm cam kết kính mến và phục vụ Chúa toàn năng, và mở lòng tiếp nhận Đấng Mết-si-a, Đấng Cứu Thế của nhân loại.
Sự ăn năn không phải là điều mới mẻ, nhưng luôn cần thiết. Chúng ta chỉ có thể hòa thuận với Đức Chúa Trời nếu chúng ta thừa nhận tội chống nghịch Ngài, và nhận Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của chúng ta. Giăng đã phải trả giá cho sứ điệp này, đánh đổi bằng đầu của ông (Mác 6:17-29). Nhưng không có sứ điệp nào khác giúp chúng ta sẵn sàng gặp Chúa Jêsus (Công vụ 4:12). Không phải người tốt mới được vào thiên đàng của Ngài (không có người nào tốt 100%), mà thiên đàng đầy dẫy người xấu, là những người đã thừa nhận tội lỗi xấu xa của mình và cầu xin sự cứu rỗi bởi huyết của Đấng Christ. Vì vậy, nếu bạn được hỏi làm thế nào để hòa thuận với Đức Chúa Trời, thì hãy trả lời rằng điều đó bắt đầu bằng sự ăn năn. Và nếu bạn đang gặp khó khăn về tâm linh, hãy nhớ II Cô-rinh-tô 7:10: “Vì sự buồn rầu theo ý Đức Chúa Trời sanh ra sự hối cải, và sự hối cải dẫn đến sự rỗi linh hồn; về sự đó người ta chẳng hề ăn năn, còn sự buồn rầu theo thế gian sanh ra sự chết.” Nếu bạn nghĩ rằng Đức Chúa Trời sẽ không cứu những người gian ác, hãy nhớ Lu-ca 5:32: “Ta không phải đến gọi kẻ công bình hối cải, song gọi kẻ có tội.” Sự ăn năn sẽ san bằng “sân chơi” để tất cả những ai chọn hạ mình, thừa nhận tội lỗi của mình và tin cậy Chúa Jêsus là Đấng Cứu Thế đều có thể được cứu! Nếu đây là thông điệp mà bạn bè hoặc đồng nghiệp cần nghe, hãy nói với họ!
Lạy Chúa nhân từ. Con xấu hổ khi thấy con thường quên mình là một tội nhân, và ỷ lại vào ân điển của Ngài thay vì thừa nhận tội lỗi của con. Xin hãy tha thứ cho con vì tất cả những dấu hiệu của tấm lòng kiêu ngạo, và sự nổi loạn ẩn giấu bên trong. Con biết Chúa Jêsus là Chúa của tất cả mọi người và vì vậy Ngài có quyền yêu cầu con vâng lời Ngài. Xin giúp con học biết lối sống khác, chọn hạ mình dưới bàn tay năng quyền của Ngài. Nhân danh Chúa Jêsus. Amen.
Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work
Kinh Thánh: Giăng 1:35-39 "Ngày mai, Giăng lại ở đó với hai môn đồ mình;…
Kinh Thánh: Giăng 1:30-34 "Ấy về Đấng đó mà ta đã nói: Có một người…
HỎI: Tại sao Chúa Giê-xu lại che giấu thân phận Đấng Messiah của mình trong…
Kinh Thánh: Giăng 1:29 "Qua ngày sau, Giăng thấy Đức Chúa Jêsus đến cùng mình,…
Kinh Thánh: Giăng 1:24-28 "Những kẻ chịu sai đến cùng Giăng đều là người Pha-ri-si.…
Kinh Thánh: Giăng 1:19-23 "Nầy là lời chứng của Giăng, khi dân Giu-đa sai mấy…