Kinh Thánh: Lu-ca 14:18-21
“Song họ đồng tình xin kiếu hết. Người thứ nhứt nói rằng: Tôi có mua một đám ruộng, cần phải đi coi; xin cho tôi kiếu. Kẻ khác rằng: Tôi có mua năm cặp bò, phải đi xem thử; xin cho tôi kiếu. Kẻ khác nữa rằng: Tôi mới cưới vợ, vậy tôi đi không được. Đầy tớ trở về, trình việc đó cho chủ mình. Chủ bèn nổi giận, biểu đầy tớ rằng: Hãy đi mau ra ngoài chợ, và các đường phố, đem những kẻ nghèo khó, tàn tật, đui, què vào đây.” (BTT)
Chúa Jêsus kể ẩn dụ về một người hào phóng chuẩn bị tiệc chiêu đãi nhiều bạn bè của mình. Khi bữa tiệc bắt đầu, một người hầu được sai đi để nhắc tất cả những người đã được mời rằng bữa tiệc đã sẵn sàng và họ phải đến. Người hầu của Chủ chính là Chúa Jêsus, Người Đầy Tớ được nhắc đến trong Ê-sai 42:1. Tuy nhiên, tất cả những vị khách được mời đều viện cớ và từ chối khả năng góp mặt. Giăng 1:11 cũng nói đến việc Chúa Jêsus đến vì con dân Ngài, nhưng họ không tiếp đón Ngài. Do đó, họ tự loại mình khỏi mọi ơn phước mà Ngài sẽ mang đến cho họ (Lu-ca 19:41-44). Họ nghĩ rằng họ là người làm chủ vận mệnh của chính mình và khước từ Chúa Jêsus vì cho rằng Ngài không liên quan đến kế hoạch của họ, nhưng Ngài là người chủ chốt trong kế hoạch của Đức Chúa Cha. Tất cả những ai tiếp nhận Chúa Jêsus sẽ được chào đón tại bữa tiệc.
Trong câu chuyện ở trên, Chúa Jêsus nói rằng những lời bào chữa đã khiến người chủ rộng lượng tức giận, đến mức những vị khách được mời không còn được chào đón nữa. Thay vào đó, những người nghèo khổ và bị khinh thường được gọi đến. Chúa Jêsus đang muốn nói đến dân ngoại, tức là tất cả những người mà tuyển dân Y-sơ-ra-ên đã ghét bỏ trong nhiều thế hệ, nhưng thiên đàng sẽ rộng mở nếu họ tin Người Đầy Tớ và sứ điệp của Ngài. Ngày nay, sứ điệp Phúc Âm đó đang được truyền ra từ miệng của dân sự Đức Chúa Trời trên toàn thế giới. Và qua họ, nhiều người tin vào Chúa Jêsus (Giăng 17:20).
Những lời bào chữa vẫn là một cách thuận tiện để nói “không”. Bằng cách đặt công việc kinh doanh hoặc gia đình lên trước những tuyên bố của Chúa Jêsus Christ, nhiều người nghĩ rằng việc họ từ chối mệnh lệnh của Vua có thể được chấp nhận bằng cách nào đó. Không phải vậy! Bất cứ ai được Chúa Jêsus mời gọi đều có trách nhiệm đáp lại lời mời. Chấp nhận là bước vào phước hạnh của Chúa trong khi đó từ chối là hứng chịu cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời. Vì vậy, những lời bào chữa (luôn luôn tự cho mình là trung tâm để trốn tránh trách nhiệm nói “có” với Chúa Jêsus) không có giá trị. Chúng ta không thể ưu tiên sở thích cá nhân, công việc hoặc các mối quan hệ của mình hơn Chúa. Vì vậy, theo lời của Ma-ri:“Người biểu chi, hãy vâng theo cả” (Giăng 2:5).
Lạy Đức Chúa Trời. Cảm ơn Ngài vì Ngài mong muốn con người quay về với Ngài và được tha thứ khi họ tiếp nhận Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của họ. Cảm ơn Ngài vì sự kiên nhẫn chờ đợi mọi người chấp nhận lời mời về cuộc sống mới của Ngài mặc dù họ viện nhiều lý do. Xin tha thứ cho sự chống đối và bất tuân của cá nhân con. Xin ban cho con một tấm lòng ăn năn về những sai trật của con và một tấm lòng vui thích làm theo ý muốn Ngài. Nhân danh Chúa Jêsus Christ. Amen.
Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work
Kinh Thánh: Giăng 1:35-39 "Ngày mai, Giăng lại ở đó với hai môn đồ mình;…
Kinh Thánh: Giăng 1:30-34 "Ấy về Đấng đó mà ta đã nói: Có một người…
HỎI: Tại sao Chúa Giê-xu lại che giấu thân phận Đấng Messiah của mình trong…
Kinh Thánh: Giăng 1:29 "Qua ngày sau, Giăng thấy Đức Chúa Jêsus đến cùng mình,…
Kinh Thánh: Giăng 1:24-28 "Những kẻ chịu sai đến cùng Giăng đều là người Pha-ri-si.…
Kinh Thánh: Giăng 1:19-23 "Nầy là lời chứng của Giăng, khi dân Giu-đa sai mấy…