Kinh Thánh: Lu-ca 6:36
“Hãy thương xót như Cha các ngươi hay thương xót.” (BTT)
Nhờ có Kinh Thánh mà chúng ta biết rõ rằng Đức Chúa Trời có quyền năng đáng kinh ngạc. Thật là khờ dại khi chống nghịch Ngài hoặc phải hứng chịu cơn thạnh nộ của Ngài. Sự phán xét của Đức Chúa Trời đối với tội lỗi thật đáng kinh sợ, như chúng ta có thể thấy qua mười tai vạ trừng phạt vua Pha-ra-ôn xứ Ai Cập và các ôn dịch khác đã tiêu diệt dân Y-sơ-ra-ên nổi loạn (A-mốt 4:10). Nhưng Đức Chúa Trời cũng là Đấng đầy lòng thương xót (Rô-ma 9:14-15). Đó là bổn tánh của Ngài, kiên nhẫn chờ đợi và trì hoãn sự phán xét để Ngài có thể thương xót những ai biết ăn năn (II Phi-e-rơ 3:9).
Chúa Jêsus đã đến để bày tỏ lòng thương xót của Đức Chúa Trời đối với tội nhân; và sự chết của Ngài bày ra lòng nhân từ của Đức Chúa Trời tuôn tràn cách dư dật bởi Ngài để cứu kẻ không công bình (Tít 3:4-7). Ngài chết cho tất cả mọi người, kể cả những kẻ nổi loạn nhất (Lu-ca 23:39-43). Nhưng làm sao mọi người biết rằng Đức Chúa Trời sẽ thương xót họ, đặc biệt là nếu họ không cảm nghiệm được lòng thương xót trong quá trình lớn lên và thông qua cuộc sống của họ? Thật vậy, nhiều người có hoàn cảnh nghiệt ngã và họ nghĩ rằng Đức Chúa Trời là một Đấng nhẫn tâm đang chờ đợi để trừng phạt họ… điều đó hoàn toàn không đúng bởi vì Ngài đang chờ đợi để thương xót họ (Ê-sai 30:18). Làm sao để họ dám tin rằng Chúa sẽ thương xót họ và rồi đến với Ngài để được tha tội?
Câu trả lời được tìm thấy trong Phúc Âm của Chúa và gia đình của Chúa. Thứ nhất, bản thân sứ điệp Phúc Âm có quyền phép để đem con người đến sự ăn năn và tin nhận Ngài (Rô-ma 1:16). Đó là thông điệp thiết yếu của lòng thương xót, mà không làm ảnh hưởng đến sự công bình của Chúa (I Giăng 1:9). Chúa Jêsus đã gánh lấy tội lỗi của chúng ta để Đức Chúa Trời thương xót chúng ta và ban cho chúng ta sự công bình của Ngài (I Phi-e-rơ 2:24). Thứ hai, mọi người cần thấy các Cơ Đốc nhân thể hiện lòng thương xót của Đức Chúa Trời bằng hành động nhân từ đối với những người không xứng đáng. Lòng yêu thương và sự quan tâm của Cơ Đốc nhân sẽ giúp cho những người không được yêu thương biết rằng họ có thể nhận được điều họ không xứng đáng (bởi ân điển), và không phải hứng chịu điều họ đáng phải chịu (bởi lòng thương xót). Đó là sự thương xót thiên thượng làm tan chảy những tấm lòng lạnh giá và giúp những tấm lòng cứng cỏi bắt đầu cảm nhận tình yêu đích thực; thường là lần đầu tiên họ cảm nhận được.
Bày tỏ lòng thương xót là một trong những lời kêu gọi chủ yếu dành cho những người theo Chúa, nhưng họ chỉ có thể làm được điều đó khi trước tiên bản thân họ đã nhận được sự thương xót qua huyết của Đấng Christ. Tuy nhiên, khi bạn nếm biết niềm vui được tha tội, bạn có trách nhiệm phải thương xót người khác (Ma-thi-ơ 6:14-15). Nếu không còn thói quen thể hiện lòng thương xót, bạn sẽ cần phải tập luyện trở lại! Hãy cầu xin Chúa cho bạn thấy những người tại nơi làm việc hoặc trong cộng đồng đáng phải chịu cơn thạnh nộ của Chúa và chọn thể hiện lòng nhân từ với họ vì Chúa. Họ phản ứng như thế nào không quan trọng; bạn chỉ mới bắt đầu thực hành! Nhưng hãy tiếp tục cho đến khi điều đó trở thành một thói quen trong lối sống; và cuối cùng họ sẽ hỏi bạn làm thế nào họ có thể tìm gặp Đức Chúa Trời nhân từ của bạn.
Kính lạy Đức Chúa Trời nhân từ là Cha thiên thượng của con. Tạ ơn Ngài rất nhiều vì Ngài đã bày tỏ lòng thương xót của Ngài với con khi trì hoãn cơn giận của Ngài cho đến lúc con có thể biết tiếp nhận sự cứu rỗi của Ngài. Và tạ ơn Ngài vì đã ban cho con niềm vui được tha tội. Xin tha thứ cho con vì đã nhanh chóng kết tội người khác nhưng lại chậm bày tỏ lòng thương xót với họ, đặc biệt khi một số người khó đối phó nhất lại là những người ít nhận được tình yêu và lòng thương xót. Con muốn được Ngài sử dụng để trở thành đại sứ của lòng thương xót trong một thế giới đầy đau khổ. Xin Chúa giúp con bày tỏ lòng thương xót như một phần sứ mạng của con trong Danh Ngài. Con cầu nguyện nhân danh Chúa Jêsus. Amen.
Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work
Kinh Thánh: Giăng 1:35-39 "Ngày mai, Giăng lại ở đó với hai môn đồ mình;…
Kinh Thánh: Giăng 1:30-34 "Ấy về Đấng đó mà ta đã nói: Có một người…
HỎI: Tại sao Chúa Giê-xu lại che giấu thân phận Đấng Messiah của mình trong…
Kinh Thánh: Giăng 1:29 "Qua ngày sau, Giăng thấy Đức Chúa Jêsus đến cùng mình,…
Kinh Thánh: Giăng 1:24-28 "Những kẻ chịu sai đến cùng Giăng đều là người Pha-ri-si.…
Kinh Thánh: Giăng 1:19-23 "Nầy là lời chứng của Giăng, khi dân Giu-đa sai mấy…