Kinh Thánh: Mác 7:17-23
“Khi Ngài vào trong nhà, cách xa đoàn dân rồi, môn đồ hỏi Ngài về lời thí dụ ấy. Ngài phán rằng: Vậy chớ các ngươi cũng không có trí khôn sao? Chưa hiểu chẳng có sự gì ở ngoài vào trong người mà làm dơ dáy người được sao? Vả, sự đó không vào lòng người, nhưng vào bụng, rồi bị bỏ ra nơi kín đáo, như vậy làm cho mọi đồ ăn được sạch. Vậy, Ngài phán: Hễ sự gì từ người ra, đó là sự làm dơ dáy người! Vì thật là tự trong, tự lòng người mà ra những ác tưởng, sự dâm dục, trộm cướp, giết người, tà dâm, tham lam, hung ác, gian dối, hoang đàng, con mắt ganh đố, lộng ngôn, kiêu ngạo, điên cuồng. Hết thảy những điều xấu ấy ra từ trong lòng thì làm cho dơ dáy người.” (BTT)
Chúa Jêsus quở trách vì họ chậm hiểu. Sự chậm hiểu ở đây không nói đến điểm yếu về trí tuệ: mà là sự hạn hẹp của tầm nhìn … không có khả năng hiểu biết lẽ thật sau khi đã ở quá lâu trong bóng tối thuộc linh. Và điều này đã làm họ mất đi khả năng nhận biết điều gì làm đẹp lòng Chúa. Họ chỉ chăm chăm vào nghi thức rửa tay trước bữa ăn (việc này không thể loại bỏ vi khuẩn), nên họ quên mất rằng Chúa đang tìm kiếm tấm lòng trong sạch. Họ không hiểu ý của Chúa Jêsus khi Ngài phán, “Chẳng sự gì từ ngoài người vào trong có thể làm dơ dáy người được; nhưng sự gì từ trong người ra, đó là sự làm dơ dáy người.” (Mác 7:15)
Chúa Jêsus quan tâm đến những gì ở trong lòng con người. Khi cơ hội đến thì những ham muốn xấu xa đang âm ỉ và sôi sục sẽ biến thành hành động xấu xa. Những gì được thể hiện qua hành vi sẽ lộ ra những gì ẩn sâu bên trong. Những ham muốn sai lầm sẽ biến thành những suy nghĩ sai trái, để rồi thể hiện qua những hành vi nhạo báng Đức Chúa Trời và bộc lộ sự ngu dại bên trong. Đặc điểm của một kẻ ngu dại là người đó sống như thể không có Đức Chúa Trời (Thi thiên 14:1).
Một tấm lòng không có Đức Chúa Trời hằng sống ngự trị sẽ tạo điều kiện cho những ham muốn xấu xa phát triển. Vẻ bề ngoài của tôn giáo chỉ đơn thuần là vỏ bọc cho điều xấu xa! Những suy nghĩ tội lỗi sẽ gây sốc cho những người theo chủ nghĩa tôn giáo ngoan đạo, nhưng đó là sự cảnh báo rằng chúng vẫn đang tồn tại bên trong chúng ta. Không có nghi lễ ngoan đạo nào có thể thay đổi sự độc ác ẩn nấp bên trong: chúng ta cần quyền năng của Đấng Christ để thay đổi tấm lòng của chúng ta.
Kẻ giả hình (có nghĩa là “đóng kịch”), là tên mà Chúa Jêsus đã đặt cho lối sống như vậy (Mác 7: 6-7) – và những người theo tôn giáo được ở trong ánh sáng chiếu rọi của Ngài. Khi chúng ta bắt đầu tra xét bản thân, những lời cầu nguyện, “Kính lạy Đức Chúa Trời Toàn Năng, Đấng mà mọi tấm lòng đều mở ra, mọi ham muốn được phơi bày và không có bí mật nào có thể giấu khỏi Ngài …”, sẽ khích lệ chúng ta từ chối bất kỳ sự ham muốn xấu xa nào ở bên trong. Điều đó quan trọng hơn nhiều so với việc dùng một vai trò hoặc hành động tôn giáo để làm vỏ bọc cho cuộc sống bận rộn của chúng ta.
“Đức Chúa Trời ơi, xin hãy tra xét tôi, và biết lòng tôi;
Hãy thử thách tôi, và biết tư tưởng tôi;
Xin xem thử tôi có lối ác nào chăng,
Xin dắt tôi vào con đường đời đời.” (Thi thiên 139:23-24)
Nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ. A-men.
Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work
Kinh Thánh: Giăng 1:35-39 "Ngày mai, Giăng lại ở đó với hai môn đồ mình;…
Kinh Thánh: Giăng 1:30-34 "Ấy về Đấng đó mà ta đã nói: Có một người…
HỎI: Tại sao Chúa Giê-xu lại che giấu thân phận Đấng Messiah của mình trong…
Kinh Thánh: Giăng 1:29 "Qua ngày sau, Giăng thấy Đức Chúa Jêsus đến cùng mình,…
Kinh Thánh: Giăng 1:24-28 "Những kẻ chịu sai đến cùng Giăng đều là người Pha-ri-si.…
Kinh Thánh: Giăng 1:19-23 "Nầy là lời chứng của Giăng, khi dân Giu-đa sai mấy…