Hướng lòng về đâu
Kinh Thánh: Lu-ca 12:29-31 "Vậy các ngươi đừng kiếm đồ ăn đồ uống, cũng đừng có lòng lo lắng. Vì mọi sự đó, các dân ngoại ở thế gian vẫn…
Sự chu cấp tuyệt vời
Kinh Thánh: Lu-ca 12:27-28 “Hãy xem hoa huệ mọc lên thể nào: Nó chẳng làm khó nhọc, cũng không kéo chỉ; song ta phán cùng các ngươi, dầu vua Sa-lô-môn…
Đừng lo lắng
Kinh Thánh: Lu-ca 12:22-26 “Đức Chúa Jêsus bèn phán cùng môn đồ rằng: Ấy vậy, ta nói cùng các ngươi, đừng vì sự sống mà lo đồ mình ăn, cũng…

Lễ Tạ ơn có ý nghĩa thế nào với Cơ Đốc nhân ngày nay?

Hỏi: Lễ Tạ ơn có ý nghĩa như thế nào đối với Cơ Đốc nhân ngày nay?

Đáp: Hằng năm, cứ vào ngày thứ Năm của tuần lễ thứ tư tháng Mười một, người dân ở đất nước Hoa kỳ tổ chức kỷ niệm lễ Tạ ơn. Lễ Tạ ơn được những di dân Tin Lành đầu tiên đến Hoa kỳ tổ chức cách đây đúng 400 năm, tức là năm 1621 (theo lịch sử lễ Tạ ơn của Hoa kỳ). Vào dịp nầy, họ ăn mừng và cảm tạ Đức Chúa Trời vì Ngài là Đấng chu cấp, bảo vệ và gìn giữ họ suốt những năm tháng đầy khó khăn, gian nan và đã ban cho họ sự tự do thờ phượng Chúa. Truyền thống nầy vẫn tiếp tục được duy trì cho đến ngày hôm nay với mục đích nhắc lại phước lành của Thiên Chúa để họ và con cháu họ luôn giữ lòng biết ơn Chúa, Ðấng tiếp trợ nhu cầu vật chất và cũng là Đấng gìn giữ sự sống cho đến lúc nầy.

I. Kinh Thánh nói gì về sự tạ ơn?
Sự cảm tạ hay sự tạ ơn là chủ đề then chốt xuyên suốt Kinh Thánh. Thật vậy, từng trang Kinh Thánh chúng ta thấy nhiều điều liên quan đến vấn đề tạ ơn, cảm tạ. Trong sách Sáng Thế Ký, những thánh tổ dâng của lễ lên cho Đức Chúa Trời vì lòng biết ơn. Dân Y-sơ-ra-ên hát bài ca cảm tạ khi họ được giải cứu khỏi quân đội của Pha-ra-ôn sau khi vượt Biển Đỏ (Xuất Ê-díp-tô Ký 15). Sau đó, luật pháp Môi-se biệt riêng ba lần mỗi năm để dân Y-sơ-ra-ên nhóm họp cùng nhau để thờ phượng cảm tạ Chúa. Tất cả ba lần nầy bao gồm lễ Bánh Không Men (còn được gọi là Lễ Vượt Qua) (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:15-20), Lễ Các Tuần hoặc Lễ Ngũ Tuần (Lê-vi-Ký 23:15-21), và Lễ Gặt Hái hoặc Lễ Lều Tạm (Lê-vi-Ký 23:33-36) đều nhắc nhớ sự chu cấp và ân điển dư dật của Đức Chúa Trời. Lễ Các Tuần và Lễ Lều Tạm xảy ra đặc biệt liên quan đến việc Đức Chúa Trời chu cấp trong mùa thu hoạch hoa màu và các loại cây ăn trái khác nhau. Sách Thi thiên chứa đầy những bài ca cảm tạ về ân điển của Đức Chúa Trời đối với dân Y-sơ-ra-ên nói chung cũng như đối với mỗi Cơ Đốc nhân chúng ta nói riêng qua các công việc quyền năng của Ngài.
Kinh Thánh Cựu Ước sử dụng từ liệu cảm tạ trong tiếng Hy-bá-lai תּוֹדָה todah, có nghĩa là bàn tay mở rộng (trong hầu hết các trường hợp). Theo từ điển Hy-bá-lai của  BDB, sự tạ ơn có nghĩa là sự tuyên xưng, ngợi khen hoặc cảm tạ Đức Chúa Trời, Đấng nhận lấy việc dâng lời ngợi khen, việc hát những bài thánh ca và những bài ca khác…vv…
Còn trong Tân Ước, từ liệu cảm tạ trong tiếng Hy-lạp εὐχαριστία eucharistia, có nghĩa là lòng biết ơn, sự tạ ơn hoặc bày tỏ lòng biết ơn đối với Đức Chúa Trời như một hành động thờ phượng. Những lời khuyên răn, động viên về việc cảm tạ Chúa được lặp đi lặp lại nhiều lần trong Tân ước. Chắc chắn, sự tạ ơn luôn là phần trong lời cầu nguyện của chúng ta. Sau đây là một số phân đoạn Kinh Thánh được nhiều tín hữu nhớ nhiều nhất:
Chớ lo phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu xin của mình cho Đức Chúa Trời.” (Phi-líp 4:6)

Vậy, trước hết mọi sự ta dặn rằng, phải khẩn nguyện, cầu xin, kêu van, tạ ơn cho mọi người.” (1 Ti-mô-thê 2:1)

Hãy vui mừng mãi mãi, cầu nguyện không thôi, phàm việc gì cũng phải tạ ơn Chúa; vì ý muốn của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus Christ đối với anh em là như vậy.” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:16-18)

  Hơn nữa, trong tất cả những tặng phẩm của Đức Chúa Trời, thì tặng phẩm vĩ đại Chúa ban cho chúng ta chính là Con Độc sanh của Ngài là Đức Chúa Jêsus Christ. Trên thập tự giá tại đồi Gô-gô-tha, Chúa Jêsus đã chết đền tội cho chúng ta. Vì vậy, Đấng phán xét công bình và thánh khiết tha thứ tội lỗi cho chúng ta và ban cho chúng ta sự sống đời đời một cách vô điều kiện. Tặng phẩm nầy sẵn có cho những ai kêu cầu Đấng Christ để được cứu rỗi bằng đức tin đơn sơ và chân thành (Giăng 3:16; Rô-ma 3:19-26; 6:23;10:13; Ê-phê-sô 2:8-10). Đây chính là tặng phẩm vô giá thỏa đáp nhu cầu lớn nhất của Cơ Đốc nhân để cảm tạ Chúa như sứ đồ Phao-lô đã kinh nghiệm và chia sẻ, “Tạ ơn Đức Chúa Trời, vì sự ban cho của Ngài không xiết kể!” (2 Cô-rinh-tô 9:15).

II. Lễ Tạ ơn đối với Cơ Đốc nhân ngày nay
Như những người hành hương, Cơ Đốc nhân chúng ta có sự lựa chọn. Trong cuộc sống, luôn có những điều mà chúng ta có thể oán trách, lằm bằm, nhưng vẫn có nhiều điều để cảm tạ. Ngày nay, tinh thần của ngày Lễ Tạ ơn đã bị mai một, nhiều người chỉ xem đây như là dịp tiện để họp mặt gia đình, ăn uống, vui chơi. Thế nhưng, đối với Cơ Đốc nhân là người biết Chúa, thì tạ ơn Chúa mỗi ngày về mọi tặng phẩm Chúa ban là cơ hội để bày tỏ lòng biết ơn đối với Đấng chúng ta đang tin trong mọi hoàn cảnh.
(1) Cảm tạ Đức Chúa Trời Ba Ngôi
Trong Kinh Thánh Tân Ước, theo khuôn mẫu của sự tạ ơn, Đức Chúa Cha là đối tượng của sự cảm tạ, Đức Chúa Con là Thân vị qua đó sự cảm tạ tuôn tràn, và Đức Thánh Linh là nguồn của sự cảm tạ. Sứ đồ Phao-lô nêu gương khuôn mẫu nầy, “Trước hết, nhờ Đức Chúa Jêsus Christ, tôi tạ ơn Đức Chúa Trời tôi về tất cả anh em, vì đức tin anh em đã được đồn khắp thế giới” (Rô-ma 1:8- TTHĐ; xem thêm Cô-lô-se 3:16-17). Chính lúc tạ ơn hướng đến Đức Thánh Linh là nguồn của sự cảm tạ vì nếu không có sự hành động của Đức Thánh Linh, thì chúng ta không thể làm đẹp lòng Đức Chúa Trời (Rô-ma 8:5-8). Thật vậy, Cơ Đốc giáo không kêu gọi cảm tạ một cách mơ hồ đối với một vị thần không rõ ràng. Đức Chúa Trời Cơ Đốc nhân đang tin  là Đức Chúa Trời Ba Ngôi, vì vậy, sự cảm tạ dâng lên Đức Chúa Cha, qua Đức Chúa Con, và từ Đức Thánh Linh.
(2) Cảm tạ Chúa trong mọi hoàn cảnh
Cơ Đốc nhân chúng ta không chỉ tạ ơn Chúa chỉ trong ngày thứ Năm của tháng Mười một mỗi năm, nhưng mỗi ngày và trong mọi hoàn cảnh như lời sứ đồ Phao-lô khuyên, “hãy cảm tạ Chúa trong mọi hoàn cảnh, vì đó là ý muốn của Đức Chúa Trời đối với anh em trong Đấng Christ Jêsus” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:17 – TTHĐ). Cảm tạ Chúa trong mọi hoàn cảnh là một thách thức đối với Cơ Đốc nhân. Làm sao chúng ta có thể tạ ơn Chúa giữa đau thương và khổ nạn như trong hoàn cảnh dịch bệnh Cô-vid-19 kéo dài gần hai năm nay khi nhiều người mất đi người thân yêu, mất việc làm, hoặc đối diện nhiều di chứng của hậu Cô-vid? Lại một lần nữa, Lời Chúa là sức mạnh làm vững mạnh đức tin của chúng ta để chúng ta luôn cảm tạ Chúa trong đau khổ và thử thách (2 Cô-rinh-tô 4:17-18). Hơn nữa, trong ánh sáng của Lời Chúa, sự cảm tạ không phải là điều chúng ta làm khi Chúa ban cho chúng ta điều mình muốn, nhưng tạ ơn là thái độ sống hoàn toàn tin cậy Đức Chúa Trời, Đấng đang hiện diện, dẫn dắt, chu cấp và giải cứu chúng ta trong mọi hoàn cảnh.

            Nói tóm lại, cảm tạ Chúa không chỉ vào ngày Lễ Tạ ơn mà suốt cả cuộc đời theo Chúa như tác giả Thi thiên, “Hãy cảm tạ CHÚA, vì Ngài thật tốt, vì tình thương của Ngài còn đến đời đời” (Thi thiên 118:29 – BD2011). Xin Chúa giúp tín nhân chúng ta tạ ơn Đức Chúa Trời Ba Ngôi, Nguồn của mọi phước hạnh thật mỗi ngày và trong mọi sự. Muốn thật hết lòng!

(Phỏng theo www.gotquestions.org)

Khuê Lan

Recent Posts

Hướng lòng về đâu

Kinh Thánh: Lu-ca 12:29-31 "Vậy các ngươi đừng kiếm đồ ăn đồ uống, cũng đừng…

18 giờ ago

Sự chu cấp tuyệt vời

Kinh Thánh: Lu-ca 12:27-28 “Hãy xem hoa huệ mọc lên thể nào: Nó chẳng làm…

2 ngày ago

Đừng lo lắng

Kinh Thánh: Lu-ca 12:22-26 “Đức Chúa Jêsus bèn phán cùng môn đồ rằng: Ấy vậy,…

3 ngày ago

Người giàu dại dột

Kinh Thánh: Lu-ca 12:16-21 “Ngài lại phán cùng chúng lời ví dụ nầy: Ruộng của…

4 ngày ago

Vua Hê-rốt đại đế

Tên “Hê-rốt” xuất hiện nhiều lần trong Kinh Thánh. Một độc giả bình thường có thể nghĩ…

4 ngày ago

Đòi hỏi công bằng cách ích kỷ

Kinh Thánh: Lu-ca 12:13-15 "Bấy giờ, một người giữa dân chúng thưa rằng: Thưa thầy,…

5 ngày ago