Hỏi: Dứt phép thông công có nghĩa là gì? Mục đích của của việc dứt phép thông công trong Hội Thánh là gì?
Đáp: Bị dứt phép thông công là bị trục xuất ra khỏi thân thể của Đấng Christ. Kinh Thánh đề cập đến việc dứt phép thông công đối với một thuộc viên trong một Hội Thánh khi thuộc viên đó miệt mài trong tội lỗi và không có dấu hiệu ăn năn.
Chúa Giê-xu dạy rõ về vấn đề nầy khi một thuộc viên phạm tội được khuyên lơn, nhưng nếu không ăn năn và tiếp nhận lời khuyên mà cứ tiếp tục phạm tội thì trình ra trước Hội Thánh, tức là chi hội địa phương khuyên dạy và dứt phép thông công (tham chiếu Ma-thi-ơ 18:15-18).
Sứ đồ Phao-lô cũng giảng dạy vấn đề nầy: “Hãy công khai khiển trách những kẻ cứ tiếp tục phạm tội, để những người khác phải sợ” (1 Ti-mô-thê 5:20-TTHĐ). Lần khác, Phao-lô cảnh cáo những thuộc viên trong Hội Thánh có lòng cứng cỏi cứ tiếp tục phạm tội thì Phao-lô khuyên phải dứt phép thông công họ (xem I Cô-rinh-tô 5:2, Tít 3:10). Tại sao Phao-lô kêu gọi dứt phép thông công? Từ ánh sáng Lời Chúa trong (1 Cô-rinh-tô 5:1-5), Phao-lô hy vọng rằng qua việc trục xuất người cứ miệt mài trong tội lỗi, họ sẽ ghét tội lỗi, cảm biết đau đớn và ăn năn “để linh hồn được cứu trong ngày Đức Chúa Jêsus.” Thật ra, dứt phép thông công một thuộc viên ngoan cố cứ tiếp tục phạm tội khỏi Hội Thánh không có nghĩa là khai trừ người đó mà trừ bỏ và khinh miệt tội lỗi của người đó. Kỷ luật này là cần thiết giữa vòng các tín hữu bởi vì Hội Thánh là thân thể của Đấng Christ, nên Hội Thánh không thể bị ô nhiễm và vấy bẩn bởi những thuộc viên hôi thối và mục nát gây ra ô nhục và ô danh cái Đầu, tức là Đấng Christ. Tuy nhiên, nếu một người từ chối ăn năn hoặc gây chia rẽ, trong khi họ vẫn có thể được phép tham dự Hội Thánh (hãy nhớ rằng mục tiêu là hy vọng họ sẽ ăn năn), thì người này không được phép phục vụ trong chức vụ, và họ không nên tham gia bất kỳ hoạt động nào với tư cách ở vị trí lãnh đạo.
Dứt phép thông công là một cách để giữ cộng đồng lại với nhau và duy trì sự hiệp nhất của Hội Thánh. Vì lý do này, dứt phép thông công phải là một hành động của toàn thể hội chúng. Trong thực tế, dứt phép thông công là một nỗ lực để phục hồi người phạm tội bằng “tinh thần khiêm nhu” (Ga-la-ti 6:1). Mặc dù đó là một kỷ luật trong Hội Thánh, nhưng kỷ luật này bắt nguồn từ mong muốn của Hội Thánh đối với cá nhân tín hữu để trải nghiệm tình yêu của Đấng Christ (tham chiếu 2 Tê-sa-lô-ni-ca 3:15; Hê-bơ-rơ 12:6). Thật vậy, dứt phép thông công là một cách mở rộng tình yêu giống Đấng Christ, là tình yêu xác định cộng đồng Cơ Đốc.
Cuối cùng, khi người bị dứt phép thông công thật sự ăn năn tội lỗi mình, Hội Thánh phải tha thứ và hoàn toàn tiếp nhận họ trở lại với Hội Thánh trong mối thông công và tham gia vào Hội Thánh mà họ đã bị loại trừ.
Có ít nhất hai mục đích khi trục xuất một tín hữu phạm tội khỏi Hội Thánh:
(1) Để thanh lọc Hội Thánh khỏi tội lỗi, giữ sự thanh sạch cho Hội Thánh (xem 1 Cô-rinh-tô 3:16-17).
(2) Để đem người phạm tội đến chỗ ăn năn, để cho linh hồn người đó được cứu.
Kinh Thánh: Giăng 1:35-39 "Ngày mai, Giăng lại ở đó với hai môn đồ mình;…
Kinh Thánh: Giăng 1:30-34 "Ấy về Đấng đó mà ta đã nói: Có một người…
HỎI: Tại sao Chúa Giê-xu lại che giấu thân phận Đấng Messiah của mình trong…
Kinh Thánh: Giăng 1:29 "Qua ngày sau, Giăng thấy Đức Chúa Jêsus đến cùng mình,…
Kinh Thánh: Giăng 1:24-28 "Những kẻ chịu sai đến cùng Giăng đều là người Pha-ri-si.…
Kinh Thánh: Giăng 1:19-23 "Nầy là lời chứng của Giăng, khi dân Giu-đa sai mấy…