Kinh Thánh: Lu-ca 11:4b
“Và xin chớ đem chúng tôi vào sự cám dỗ.” (BTT)
Đây là câu Kinh Thánh có vẻ kỳ lạ trong bài cầu nguyện chung. Việc cầu xin Chúa không dẫn chúng ta vào sự cám dỗ gần như ám chỉ rằng có thể Ngài sẽ làm điều đó! Người duy nhất mà Đức Chúa Trời đưa đến gặp ma quỷ chính là Chúa Jêsus (Ma-thi-ơ 4:1). Nhưng đó chính là mục đích của Ngài khi đến trái đất này, để đối đầu với kẻ tự xưng mình là vua của thế gian, để đắc thắng những cám dỗ của nó, để công bố rằng kỳ hạn thống trị của nó đã được định sẵn, và để chứng minh rằng sự chết (vũ khí lớn nhất của Sa-tan) là vô dụng trước sự phục sinh của Chúa. Đó không phải là công việc của chúng ta, mà là của chính Đấng Christ. Nhiệm vụ của chúng ta là sống trong sự đắc thắng của Ngài trên thập tự giá và học cách chống lại mọi cám dỗ khi biết rằng chính Chúa mới là Đấng giúp đỡ cho chúng ta (I Cô-rinh-tô 10:13).
Dù vậy, bất cứ ai tin Chúa Jêsus đều nhận thức được rằng bản thân họ vẫn dễ bị sa ngã trước sự cám dỗ. Vì thế, Chúa Jêsus khuyên chúng ta cầu nguyện để được Chúa cất khỏi những tình huống có thể làm tổn hại nghiêm trọng đến đức tin của chúng ta. Chúng ta cần sự khôn ngoan để không sa ngã vào con đường sai trật, nhưng cũng cần cầu nguyện để Chúa gìn giữ chúng ta khỏi những tình huống mà ma quỷ sẽ lợi dụng để tấn công vào những góc yếu đuối nhất trong chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta cần phải sẵn lòng để được Ngài dẫn dắt vào trong “đường lối công bình” và đừng cho rằng mình có thể đùa với lửa mà không bị bỏng.
Rõ ràng, sứ đồ Si-môn Phi-e-rơ đã dễ dàng bị cám dỗ khi mạnh dạn đứng ra can ngăn Chúa Jêsus khỏi sự chết (Mác 8:31-33); hay khi khẳng định rằng ông sẽ không bao giờ xấu hổ về Chúa Jêsus (Mác 14:31), và chối bỏ Ngài (Mác 14:66-72). Nhưng Chúa Jêsus nói: “Hỡi Si-môn, Si-môn, nầy, quỷ Sa-tan đã đòi sàng sảy ngươi như lúa mì. Song ta đã cầu nguyện cho ngươi, hầu cho đức tin ngươi không thiếu thốn. Vậy, đến khi ngươi đã hối cải, hãy làm cho vững chí anh em mình” (Lu-ca 22:31-32). Si-môn bị sa vào cám dỗ, nhưng Chúa Jêsus không để ông mắc kẹt trong cám dỗ đó.
Ma quỷ chẳng thể cướp đi bất kỳ con chiên nào của Đức Chúa Trời khỏi vòng tay Ngài (Giăng 10:28-29), nhưng nó hoàn toàn có thể dụ dỗ chúng ta chấp nhận thẩm quyền sai trái cũng như tin vào những lời hứa vô giá trị của nó. “Cái giá của tự do là sự cảnh giác tuyệt đối”. Khẩu hiệu này thường được các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự nhắc đến. Về mặt thuộc linh, việc nhận biết Sa-tan có thể nhắm vào đâu để tấn công chúng ta cũng là điều rất quan trọng; tuy nhiên bản thân chúng ta không đủ sức để chống lại những mưu kế của nó (Ê-phê-sô 6:10-18). Chúng ta cần phải luôn trú ẩn dưới sự bảo vệ của Chúa và tin cậy Ngài hầu cho kẻ ác không thể xâm nhập và làm hại đến đời sống của chúng ta (Thi thiên 57:1).
Lạy Chúa. Con luôn nhận biết rõ sự yếu đuối của con trước tội lỗi và những cám dỗ. Cảm ơn Chúa vì con không phải lo đánh bại Sa-tan, khi mà Chúa Jêsus Christ đã chứng tỏ rằng Ngài có quyền năng và thẩm quyền siêu việt cũng như kỳ hạn của Sa-tan đã đến gần. Nhưng xin Chúa ban cho con sự khôn ngoan để luôn biết nương náu dưới bóng cánh của Ngài, cho con đủ sức để đắc thắng những cám dỗ và bảo vệ con trước những hoàn cảnh mà con không thể tự đứng vững. Trong danh Chúa Jêsus. Amen.
Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work
Kinh Thánh: Giăng 1:35-39 "Ngày mai, Giăng lại ở đó với hai môn đồ mình;…
Kinh Thánh: Giăng 1:30-34 "Ấy về Đấng đó mà ta đã nói: Có một người…
HỎI: Tại sao Chúa Giê-xu lại che giấu thân phận Đấng Messiah của mình trong…
Kinh Thánh: Giăng 1:29 "Qua ngày sau, Giăng thấy Đức Chúa Jêsus đến cùng mình,…
Kinh Thánh: Giăng 1:24-28 "Những kẻ chịu sai đến cùng Giăng đều là người Pha-ri-si.…
Kinh Thánh: Giăng 1:19-23 "Nầy là lời chứng của Giăng, khi dân Giu-đa sai mấy…