Kinh Thánh: Lu-ca 21:20-24
“Vả, khi các ngươi sẽ thấy quân lính vây thành Giê-ru-sa-lem, hãy biết sự tàn phá thành ấy gần đến. Lúc đó, ai ở trong xứ Giu-đê hãy trốn lên núi; ai ở trong thành phải đi ra ngoài, ai ở ngoài đồng đừng trở vào thành. Vì những ngày đó là ngày báo thù, hầu cho mọi lời đã chép được ứng nghiệm. Trong những ngày ấy, khốn cho đàn bà có thai, và đàn bà cho con bú! Vì sẽ có tai nạn lớn trong xứ, và cơn thạnh nộ nghịch cùng dân nầy. Họ sẽ bị ngã dưới lưỡi gươm, sẽ bị đem đi làm phu tù giữa các dân ngoại, thành Giê-ru-sa-lem sẽ bị dân ngoại giày đạp, cho đến chừng nào các kỳ dân ngoại được trọn.” (BTT)
Khi nhận ra có một thảm họa lớn sắp xảy đến, người ta thường chuyển đến nơi khác an toàn. Câu chuyện trong Kinh Thánh Cựu Ước về sự hủy diệt Sô-đôm được báo trước để người trong thành có thể trốn khỏi đó trước khi bị hủy diệt (Sáng thế Ký 19:12-16). Giăng Báp-tít đã vạch trần các nhà lãnh đạo tôn giáo không có ý định ăn năn nhưng đến để xem ông làm phép báp-têm, bằng cách nói: “Hỡi dòng dõi rắn lục kia, ai đã dạy các ngươi tránh khỏi cơn giận ngày sau?” (Ma-thi-ơ 3:7)… nhưng họ chỉ đang chơi “trò chơi tôn giáo” và không nghĩ rằng sự phán xét của Đức Chúa Trời sẽ giáng xuống họ.
Trong phân đoạn Kinh Thánh hôm nay, Chúa Jêsus nói cụ thể về sự hủy diệt thảm khốc sẽ giáng trên Giê-ru-sa-lem vào năm 70 SCN, mô tả chi tiết những nỗi kinh hoàng sắp tới. Sau khi bao vây thành trong 143 ngày, 30.000 binh lính La Mã đã phá tan cổng thành thánh, phá hủy mọi thứ bao gồm cả đền thờ tráng lệ và giết hơn 600.000 người. Những lời báo trước của Chúa Jêsus nhắc lại sách Đa-ni-ên về lời phán của Đức Chúa Trời khoảng 500 năm trước đó (Đa-ni-ên 11:31-35; Đa-ni-ên 12:11-12).
Sự kiện khủng khiếp đó, 40 năm sau khi Đấng Christ bị đóng đinh, cũng là hình ảnh về cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời với tất cả những ai khước từ Chúa Jêsus Christ trong Ngày Cuối cùng (Rô-ma 2:5). Những người tin Chúa ở Giê-ru-sa-lem đã được cảnh báo để họ có thể thoát khỏi thảm họa đẫm máu này. Lời dạy dỗ của Chúa có ý nghĩa thực tế, cứu nhiều người trong Hội Thánh và đưa một làn sóng người tị nạn khác đến phần còn lại của Đế quốc La Mã, với thông điệp về Chúa Jêsus. Nhưng họ không chỉ được cứu khỏi sự chết, họ còn có những phong trào truyền giáo, cảnh báo mọi người tránh khỏi cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời đối với những người khước từ Chúa Jêsus (Ma-la-chi 3:2-4; Khải huyền 6:17).
Phúc Âm tiếp tục vừa là một lời cảnh báo rằng Đức Chúa Trời sẽ giáng cơn thạnh nộ đối với những ai chống lại tình yêu của Ngài, vừa là một thông báo về cách để được cứu (Công vụ 13:44-49). Nói đúng hơn, Phúc Âm là một hành động rao truyền tin tức của Đức Chúa Trời, được những người đã chú ý đến lời cảnh báo của Ngài và tìm thấy sự an toàn trong Đấng Christ thực hiện. Nếu bạn đã đến với Chúa Jêsus bằng cách tiếp nhận thông điệp của Ngài, thì bạn cũng có trách nhiệm chia sẻ thông điệp đó trước khi Ngài trở lại và đoán xét mọi người.
Lạy Đức Chúa Trời nhân từ. Con cảm ơn Ngài đã cảnh báo Hội Thánh đầu tiên để họ được an toàn và Phúc Âm có thể lan rộng khắp đế quốc La Mã. Con cũng cảm ơn Ngài vì đã đưa ra những lời báo trước về sự tái lâm của Đấng Christ, để con có thể sẵn sàng và bạn bè của con được chuẩn bị. Xin giúp con nhận lấy trách nhiệm rao truyền Phúc Âm, đặc ân của tất cả những ai tin Lời Ngài và tôn kính Chúa Jêsus Christ. Nhân danh Chúa Jêsus. A-men.
Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work
Kinh Thánh: Giăng 1:35-39 "Ngày mai, Giăng lại ở đó với hai môn đồ mình;…
Kinh Thánh: Giăng 1:30-34 "Ấy về Đấng đó mà ta đã nói: Có một người…
HỎI: Tại sao Chúa Giê-xu lại che giấu thân phận Đấng Messiah của mình trong…
Kinh Thánh: Giăng 1:29 "Qua ngày sau, Giăng thấy Đức Chúa Jêsus đến cùng mình,…
Kinh Thánh: Giăng 1:24-28 "Những kẻ chịu sai đến cùng Giăng đều là người Pha-ri-si.…
Kinh Thánh: Giăng 1:19-23 "Nầy là lời chứng của Giăng, khi dân Giu-đa sai mấy…