Kinh Thánh: Mác 12:9-12
“Vậy thì chủ vườn nho sẽ làm thế nào? Người sẽ đến giết bọn trồng nho đó, rồi lấy vườn nho lại mà cho người khác. Các ngươi há chưa đọc lời Kinh Thánh nầy:
Hòn đá bị thợ xây nhà bỏ ra,
Đã trở nên đá góc nhà;
Ấy là công việc của Chúa,
Và là việc rất lạ trước mắt chúng ta hay sao?
Những người đó bèn tìm cách bắt Ngài, vì biết rõ rằng Ngài phán thí dụ ấy chỉ về mình; song sợ dân chúng, nên bỏ Ngài mà đi.” (BTT)
Đây là cao trào của ẩn dụ (Mác 12:1-12). Những người tá điền hiếu chiến cho rằng một khi họ đã xử lý con trai của chủ, thì mọi việc sẽ thuận lợi theo sự sắp đặt của họ. Nhưng họ đã không hiểu tính của chủ. Chủ vườn là một người công chính, và đó là lý do tại sao ông có sự kiên nhẫn phi thường. Nhưng công lý đòi hỏi sự bất công phải được xử lý. Sau khi con trai ông bị giết, người chủ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc loại bỏ những người không tôn trọng ông. Những người làm thuê đã sử dụng hết cơ hội của mình. Sự phán xét là không thể tránh khỏi. Đặc ân phát triển vườn nho sẽ được trao cho người khác.
Chúa Jêsus đã làm cho ẩn dụ trở nên rõ ràng bằng cách trích dẫn Thi Thiên 118:22-23 để các nhà lãnh đạo tôn giáo không thể không hiểu ý nghĩa của nó. Họ biết những câu đó nói về Đấng Mết-si-a, và biết Chúa Jêsus đang xưng Ngài là ai. Đáng chú ý, từ “sự cứu rỗi” trong phần trước của Thi Thiên 118:14, 21 là “Yeshua” – tiếng Do Thái để chỉ Chúa Jêsus. Vì vậy, câu 14: “Đức Giê-hô-va là sức lực và là bài ca của ta; Ngài trở nên sự cứu rỗi ta” có thể được hiểu là: “Chúa là sức mạnh và sự bảo vệ tôi; Ngài đã trở thành Chúa Jêsus của tôi.” Khi Thi Thiên tiếp tục lời mô tả mang tính tiên tri việc hòn đá bị thợ xây nhà loại ra sẽ trở nên đá góc nhà, giới lãnh đạo tôn giáo càng ghét Chúa Jêsus hơn.
Họ cũng hiểu rằng số phận của những người tá điền trong câu chuyện là lời tiên tri chống lại họ. Vì vậy, điều này càng làm họ muốn giết Chúa Jêsus hơn nữa. Nhưng trong khi họ không hề kính sợ Đức Chúa Trời, họ lại sợ phản ứng của đám đông. Thật là thiển cận làm sao! Nhưng những người không thể (hoặc sẽ không) nhìn thấy sự thật, thì quả thật là những kẻ mù. Họ sẽ tốt hơn nhiều nếu kính sợ Đức Chúa Trời.
Gióp 28:28 nói: “Kính sợ Chúa, ấy là sự khôn ngoan…” Cách tiếp cận vị kỷ của những tấm lòng khước từ Chúa Jêsus không bao giờ là khôn ngoan. Nó dẫn đến sự hủy diệt và nhiều rắc rối trên đường đời. Tuy nhiên, những người như vậy thường sợ hãi trước sự chống đối của con người. Họ sẽ làm tất cả trong khả năng của mình để có được sự tôn trọng, nổi tiếng và chấp nhận, như thể thế giới này là tất cả đối với họ. Người kính sợ Chúa không cần phải sợ bất kỳ ai. Còn người khinh thường Chúa sống trong nỗi sợ bị khước từ. Sự chẩn đoán đã rõ ràng, và phương pháp điều trị sẽ như cách một tội nhân đến với Chúa Jêsus. Đó là cách duy nhất dẫn đến sự khôn ngoan, trọn vẹn và được chấp nhận mãi mãi.
Lạy Chúa, cảm ơn Ngài vì Chúa Jêsus đóng vai trò quan trọng trong mọi kế hoạch của Ngài. Xin tha thứ cho con khi con đặt tham vọng của mình trước Ngài, khi con sợ mọi người nhưng không sợ Ngài. Xin giúp con tiếp tục thuận phục Chúa Jêsus, và thúc giục người khác cũng làm như vậy, trước khi quá muộn. Nhân danh Chúa Jêsus. A-men.
Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work
Kinh Thánh: Giăng 1:35-39 "Ngày mai, Giăng lại ở đó với hai môn đồ mình;…
Kinh Thánh: Giăng 1:30-34 "Ấy về Đấng đó mà ta đã nói: Có một người…
HỎI: Tại sao Chúa Giê-xu lại che giấu thân phận Đấng Messiah của mình trong…
Kinh Thánh: Giăng 1:29 "Qua ngày sau, Giăng thấy Đức Chúa Jêsus đến cùng mình,…
Kinh Thánh: Giăng 1:24-28 "Những kẻ chịu sai đến cùng Giăng đều là người Pha-ri-si.…
Kinh Thánh: Giăng 1:19-23 "Nầy là lời chứng của Giăng, khi dân Giu-đa sai mấy…