Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Người đàn bà Su-nem

Kinh Thánh tường thuật về nhiều người nữ với những tấm gương cao đẹp. Thật thú vị, một trong những câu chuyện được yêu thích trong Kinh Thánh kể về một người phụ nữ không có tên. Người nữ này được biết qua tên của nơi bà sống: Su-nem. Do vậy, chúng ta thường quen gọi bà là: Người đàn bà Su-nem. Mọi người nhớ đến bà vì bà đã dâng một căn phòng trong nhà mình cho tiên tri Ê-li-sê. Nhưng thật ra, câu chuyện của bà, được tìm thấy trong II Các Vua 4 & 8, là một câu chuyện thật đẹp về một người phụ nữ có lòng rộng rãi và hiếu khách, tôn kính người hầu việc Chúa và có đức tin kiên trì. Những phẩm hạnh của người đàn bà Su-nem thật cao quý để chúng ta noi theo.
Hoàn cảnh của người đàn bà Su-nem

Dù không biết tên thật, nhưng chúng ta lại biết nhiều thông tin về người đàn bà Su-nem. Trước hết, bà được biết đến là “một người đàn bà giàu” (II Các vua 4:8). Theo sát nghĩa hơn là: “người đàn bà lỗi lạc” ở trong bản Kinh Thánh Anh ngữ. Chữ “lỗi lạc” đôi khi được dùng để nói tới sự giàu có, bề thế hay ảnh hưởng. Không nghi ngờ bà là người phụ nữ đem ảnh hưởng tốt đẹp cho người xung quanh.

Một chi tiết nữa chúng ta được biết thêm về gia cảnh của bà qua lời đầy tớ Ghê-ha-xi nói với tiên tri Ê-li-sê: “…người không có con trai, và chồng người đã già rồi.” (II Các vua 4:14). Việc người đàn bà không có con là một trong những sự buồn thảm lớn đối với bối cảnh văn hoá dân Y-sơ-ra-ên thời Cựu ước. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh thách thức như vậy, đời sống của người đàn bà Su-nem vẫn tỏa hương thơm mang tình yêu đến người khác.

Lòng rộng rãi và hiếu khách

Trong thời xa xưa, không có một quán trọ hay nhà nghỉ nào. Những người đi đường nương vào sự mến khách rời rộng của người dân trong xứ. Đặc biệt là các tiên tri, khi họ đi từ chỗ này sang chỗ kia rất cần một chỗ để nghỉ ngơi. Và lời Chúa cho biết: “Một ngày kia, Ê-li-sê đi ngang qua đất Su-nem. Ở đó, có một người đàn bà giàu, cầm người ở lại ăn bữa. Từ ấy, mỗi khi người đi ngang qua đó, thì vào nhà người đàn bà nầy mà dùng bữa.” (II Các vua 4:8)

Lòng rộng rãi và hiếu khách của người đàn bà Su-nem được bày tỏ thật rõ ràng. Không cần ai nói, ngay khi tiên tri Ê-li-sê đi ngang qua vùng đất Su-nem, bà liền nài mời ông ở lại dùng bữa trong nhà của bà. Lời mời ân cần của bà khiến cho tiên tri Ê-li-sê và học trò trở nên thân thiện và thường xuyên ghé lại nhà bà dùng bữa.

Nhưng không dừng lại chỉ là mời tiên tri Ê-li-sê dùng bữa, bà nghĩ phải đối xử tốt hơn nữa. “Người nói với chồng mình rằng: Tôi biết rằng người năng đến nhà chúng ta đây, là một người thánh của Đức Chúa Trời. Xin chúng ta hãy xây cất cho người một cái phòng cao, rồi để tại đó một cái giường, một cái bàn; một cái ghế, và một cây đèn. Vậy, khi người đến nhà ta, thì sẽ ở lại đó.” (II Các vua 4:9-10)

Bà đã tỏ ra thái độ quan tâm đối với người của Đức Chúa Trời và công việc của Ngài. Nhưng hãy để ý, bà đã làm điều này với sự tôn trọng trước quyền lãnh đạo của chồng mình khi bà để cho chồng đưa ra quyết định sau cùng. Một hình ảnh đẹp về sự trợ giúp mà một người vợ tin kính có thể có đối với chồng mình.

Với lòng hiếu khách bà đề nghị chồng mình xây dựng một căn phòng trên sân thượng, có vách tường đàng hoàng, rồi để trong đó một cái giường, một cái bàn, một cái ghế, và một cái đèn để tiên tri Ê-li-sê và các học trò mình mỗi khi đi ngang qua có chỗ nghỉ ngơi trong lúc đi đường xa mệt. Người đàn bà Su-nem chứng tỏ mình thật khôn ngoan, rộng rãi và rất thực tế đến từng chi tiết nhỏ để đáp ứng nhu cầu của tiên tri Ê-li-sê.

Tôn kính Người Hầu Việc Chúa

Người đàn bà Su-nem còn cho thấy vẻ đẹp nơi bà đó là lòng tôn kính người hầu việc Chúa. Nhận xét đầu tiên của bà về tiên tri Ê-li-sê đó là “Đây là một người thánh của Đức Chúa Trời.” (II Các vua 4:9).

Bằng cách gọi Ê-li-sê là “người thánh của Đức Chúa Trời”, bà đã bày tỏ lòng quý trọng của mình đối với chính Đức Chúa Trời và cũng như đối với tiên tri của Ngài là người được kêu gọi đặc biệt. Vì kính yêu Chúa bà quyết định chức vụ của mình sẽ là hỗ trợ người hầu việc Đức Chúa Trời. Rõ ràng, bà có đời sống gần gũi với Chúa nên được Chúa soi sáng và biết quý trọng đầy tớ Ngài.

Ơn phước Chúa dành cho Người phục vụ

Ê-li-sê muốn trả ơn nên bảo người đầy tớ hỏi có thể giúp gì cho người đàn bà Su-nem. Và bà trả lời: “Tôi vẫn ở giữa dân sự tôi.” Bà dường như muốn nói là bà rất đơn sơ, không mơ ước gì lớn lao. Nhưng Đức Chúa Trời biết hoàn cảnh và lòng ước muốn sâu xa của bà. Chúa đã ban cho bà một người con trai và lời tiên tri Ê-li-sê đã được ứng nghiệm: “Người đàn bà ấy thọ thai, và một năm sau, cũng trong lúc đó, sanh một đứa con trai, y như lời Ê-li-sê đã nói trước cho nàng.” (II Các vua 4:17)

Chúa ban phước cho người tôn kính Ngài. Phần thưởng xứng đáng với công việc, lòng rộng rãi và tôn kính của bà với tiên tri của Đức Chúa Trời.

Đức tin kiên trì

Đứa con trai lớn lên trong niềm vui của đôi vợ chồng. Và một ngày kia, con trai đó theo cha ra đồng thăm những người gặt lúa. Rồi cậu bé nói với cha rằng: con nhức đầu. Người cha bảo đầy tớ đưa con mình về. Cậu bé về nhà ngồi trên gối của mẹ và đến trưa thì chết. (II Các vua 4:18-20)

Sự thử thách quá lớn đến với gia đình của người đàn bà Su-nem. Món quà quý giá mà Chúa ban tặng đã mất đi. Đứa con đem niềm vui thời gian ngắn cho gia đình. Đứa bé không biết bao nhiêu tuổi nhưng đủ lớn để đi ra đồng.

Trước hoàn cảnh đau thương của mình, người đàn bà Su-nem đã thể hiện đức tin kiên trì nơi Chúa. Điều đầu tiên bà nghĩ đến Đức Chúa Trời có thể chữa lành cho đứa con đã chết của bà. Bà đặt con trai đã chết của mình lên trên giường của tiên tri Ê-li-sê. Bà đi ra đóng cửa. Có lẽ căn phòng này rất đặc biệt vì để dành cho tiên tri Ê-li-sê, người luôn cầu nguyện với Chúa, là nơi Thánh.

Sau đó, bà gọi chồng và xin phép để đi nhanh gặp người của Đức Chúa Trời. Chồng bà hỏi: “Hôm nay không phải là ngày mồng một, cũng không phải là ngày Sa-bát. Vậy, tại sao bà lại đi gặp người ấy?” Bà đáp: “Ông cứ yên tâm!” Thật, bà đi ra trong đức tin, hy vọng tiên tri Ê-li-sê sẽ khiến con bà sống lại.

Khi đến nơi, Ghê-ha-xi, người đầy tớ Ê-li-sê hỏi và bà trả lời rằng: “Mọi sự đều bình an.” Những lời này chứng tỏ bà có một sự tin cậy rằng dù hoàn cảnh xảy đến với bà ra sao thì cũng luôn nằm trong sự cho phép của Chúa.

Và rồi khi đến gần tiên tri Ê-li-sê ở trên núi, bà sụp xuống, và ôm lấy chân ông. Hành động này cho thấy bà tuyệt đối lệ thuộc vào quyền năng của Đức Chúa Trời. Và bà cũng bày tỏ sự khiêm nhường và lòng tôn kính đối với tiên tri Ê-li-sê. Bà muốn chính ông phải đi đến nhà của mình để cứu đứa trẻ. Bà không rời khỏi ông, một tấm lòng kêu xin khẩn thiết.

Cuối cùng phép lạ đã xảy ra, sau khi Ê-li-sê nằm úp trên người đứa trẻ và chắc hẳn hơi sống của Chúa truyền vào. Lời Chúa cho biết: đứa trẻ “nhảy mũi bảy lần, và mở mắt ra.” (II Các vua 4:35)

Dầu vui mừng nhưng bà không bế con ngay mà sấp mình quỳ lạy trước tiên tri Ê-li-sê để tỏ lòng yêu kính thờ phượng Chúa trước hết. “Nàng bèn lại gần, sấp mình xuống dưới chân người và lạy; đoạn ẵm lấy con mình và đi ra.” (II Các-vua 4:37) Người đàn bà Su-nem cảm thấy mình không có quyền hay xứng đáng gì cả. Bà chỉ đơn giản vui mừng khi được Chúa ban đứa con trở lại.

Qua II Các vua 8:1-6, chúng ta biết thêm Chúa còn bảo vệ và bênh vực cho người đàn bà Su-nem. Bà được tiên tri Ê-li-sê báo trước nạn đói xảy ra trong xứ bảy năm, nên bà đi sang Phi-li-tin để lánh khỏi. Rồi sau đó, khi bà trở về lại thì được vua trả lại tất cả những gì thuộc về bà và mọi hoa lợi của ruộng vườn. Chắc chắn vì sự cảm động đến từ Chúa mà vua phải trả lại cho bà.

Suy ngẫm

Câu chuyện người đàn bà không tên ở Su-nem được ghi lại trong Kinh Thánh không hề tình cờ. Những công việc tốt lành và đức tin kiên trì của bà còn được nhắc mãi.
Mỗi đời sống chúng ta học theo gương của bà, làm theo lời Chúa đã phán dạy:
“Hãy cung cấp sự cần dùng cho các thánh đồ; hãy ân cần tiếp khách.” (Rô-ma 12:13)
“Hãy hằng có tình yêu thương anh em. Chớ quên sự tiếp khách, có khi kẻ làm điều đó đã tiếp đãi thiên sứ mà không biết.” (Hê-bơ-rơ 13:1-2)

Chúa không hề quên người có lòng rộng rãi, phục vụ và tôn kính Ngài. Phần thưởng đến cho người đàn bà Su-nem và cũng sẽ cho tất cả những ai làm theo ý muốn Ngài. Amen!

(Nhóm biên tập Chuyên mục Nhân vật Kinh Thánh)

Là Hội Thánh Tin Lành đầu tiên tại Sài Gòn, trực thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, được thành lập năm 1920.
Sứ mệnh Hội Thánh:
“TẤT CẢ VÌ NGƯỜI CHƯA ĐƯỢC CỨU”

© 2024. Bản quyền thuộc về Hội Thánh Tin Lành Sài Gòn