Câu chuyện về bà Đô-ca (còn có tên là Ta-bi-tha) đã tạo sự truyền cảm đến hàng ngàn người, có thể được kết lại thành những bài học có giá trị, tất cả đều quan trọng trong đời sống Cơ Đốc nhân, với những điểm nhấn đặc biệt. Bà Đô-ca sống ở thành Giốp-bê – là thành nằm dọc theo bờ biển Địa Trung Hải, và là thành phố cảng chính yếu của xứ Pa-lét-tin lúc bấy giờ (xem bản đồ số 6 trong Kinh Thánh, Công vụ các sứ đồ 10:5-8).
Đó là một trong các thành đầu tiên có cư dân Cơ Đốc nhân. Phi-líp, một nhà truyền giáo, đã giảng Tin Lành cho mọi thành dọc theo bờ biển Địa Trung Hải từ Ách-đốt đến Sê-sa-rê, bao gồm Giốp-bê. Thông điệp của Phi-líp về sự tha thứ của Chúa Jêsus Christ đã công nhận những Cơ Đốc nhân Gờ-réc bình đẳng với những Cơ Đốc nhân Do Thái (xem Công vụ các sứ đồ 8); và từ khi Phi-líp làm một chấp sự, trong Hội Thánh Giê-ru-sa-lem đã quan tâm đến người nghèo và những góa bụa, chắc chắn Phi-líp cũng đã giảng chủ đề này.
Tại Giốp-bê, có một Hội Thánh, những Cơ Đốc nhân đã gặp nhau, nhóm lại để thờ phượng và cầu nguyện trong nhà của bà Đô-ca, bởi vì đây là tục lệ trong những ngày đó (xem Công vụ các sứ đồ 12:12; Rô-ma 16:5). Chúng ta biết rất ít về bà Đô-ca, tuổi tác và vị trí của bà trong xã hội, bà đã có gia đình hay sống một mình, là người giàu có hay nghèo khổ. Nhưng chúng ta biết bà Đô-ca “là người làm nhiều việc lành và hay bố thí”, bà có một cái tên đẹp đẽ, trong nguyên ngữ có nghĩa là “linh dương” hoặc “quyền phép rất lớn” (xem Công vụ các sứ đồ 4:33). Cơ Đốc nhân có thể rút ra được những bài học từ phần Kinh Thánh trong Công vụ các sứ đồ 9:36-43.
1/ Bà Đô-ca là một môn đồ của Chúa Jêsus – trong câu 36, bà Đô-ca được mô tả là “môn đồ” – ở đây có nghĩa là “Cơ Đốc nhân”. Điều này được áp dụng cho tất cả những ai tin theo Chúa Jêsus, Cơ Đốc nhân là một người đi theo Chúa Jêsus, là người chấp nhận sự kỷ luật của Ngài, thừa nhận thẩm quyền và uy quyền của Ngài và thuận phục sự cai trị của Ngài. Ý nghĩa này bày tỏ: khi một môn đồ theo gương của Đấng Christ (I Phi-e-rơ 2:21), thì chấp nhận sự dạy dỗ và thẩm quyền của Đấng Christ (Lu-ca 10:39), thuận phục uy quyền của Đấng Christ (Giăng 20:28).
2/ Đức tin có việc làm của bà Đô-ca – trong câu 36 cho biết bà Đô-ca không chỉ là người nói nhưng là người “làm nhiều”. Và trong câu 39 cho biết công tác đặc biệt đã chiếm lấy nhiều thời gian của bà: Đô-ca đã làm “nhiều áo xống và áo ngoài…”. Đức tin của bà trong Chúa Jêsus được bày tỏ bởi những việc lành bà đã làm. Thật sự ra, không một ai có thể được cứu rỗi bởi việc lành (Ê-phê-sô 2:8-10; Tít 3:5), nhưng bổn phận của mỗi một người được cứu cần như bà Đô-ca – “để làm việc lành” (Ê-phê-sô 2:10). Mỗi người cần hiểu sự cứu rỗi được ban cho con người không bởi việc lành, nhưng bông trái Thánh Linh trong đời sống Cơ Đốc là bằng chứng của người được cứu bày tỏ qua những việc lành (I Ti-mô-thê 1:15; Tít 3:8). Gia-cơ cũng nói nhiều về việc lành (Gia-cơ 2:14-16). Bông trái Thánh Linh có thể thấy được trong đời sống bà Đô-ca: tình yêu thương, nhân từ, và hiền lành.
3/ Cái chết đột ngột của bà Đô-ca – bà Đô-ca đau bệnh và chết, những người bạn và người thân yêu của bà có thể đã nói: “Bà đi rồi!” (câu 37). Đó có thể là một cú sốc cay đắng rất lớn xảy ra cho cộng động nhỏ bé đó. Tại sao bà Đô-ca chết?
- Con người có thể hỏi: Có phải bà đã phạm tội, và có phải đây là sự trừng phạt xảy ra cho bà từ Đức Chúa Trời chăng? Điều này có thể nhưng ở đây không hề nói đến – xem I Cô-rinh-tô 11:26-32 và so sánh với I Cô-rinh-tô 4:5.
- Nhưng Đức Chúa Trời đã cho phép điều đó xảy ra vì mục đích yêu thương và khôn ngoan của Ngài (Rô-ma 8:28)! Chúng ta không thể giải thích lý do tại sao sự chịu khổ, sự đau bệnh, tai nạn và sự chết xảy ra làm chúng ta đau đớn, buồn thảm, nhưng Đức Chúa Trời biết những điều Ngài đang hành động và một ngày kia chúng ta sẽ hiểu (Giăng 13:7).
- Trong khi chúng ta ở trong thân thể vật lý này, chúng ta phải sống bởi đức tin, nghĩa là phải tin cậy Đức Chúa Trời trong sự ban cho đầy ân điển của Ngài. Đức Chúa Trời trọn vẹn và khôn ngoan đang hành động theo kế hoạch của Ngài trong đời sống con cái Ngài (Thi Thiên 138:8). Sự đau yếu, sự chịu khổ, hoạn nạn – tất cả những điều này như những ống dẫn ân điển và quyền năng vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời (Phi-líp 1:12).
4/ Mọi công việc đều có thể phục vụ Đức Chúa Trời– tất cả chúng ta khác nhau, nhưng ở đây công việc cho mỗi một người làm phải vì Danh Chúa. Trong Hội Thánh, những công tác phục vụ Chúa là đa dạng:
- Bà Đô-ca đã sử dụng cây kim của mình vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời (câu 39) – đó là một vật nhỏ bé nhưng vẫn có thể được chấp nhận, không có việc gì là quá nhỏ đối với Chúa (Xa-cha-ri 4:10).
- Một số người nữ đã tắm rửa xác bà Đô-ca (câu 37), chúng ta không biết họ là ai. Hai người khác đã đến Ly-đa để mời sứ đồ Phi-e-rơ đến không chậm trễ (câu 38) – đây là những đầy tớ làm việc cho Đức Chúa Trời!
- Một số môn đồ đã sai hai người đến Giốp-bê (câu 38) – Họ là ai? Và sứ đồ Phi-e-rơ đã đến, rồi thì những đàn bà góa đều đến cùng người mà khóc (câu 39). Ở đây, có nhiều cơ hội để phục vụ Chúa, và phạm vi phục vụ trong gia đình nhiều như trong Hội Thánh (Ê-phê-sô 4:4-7).
5/ Quyền năng của Đức Chúa Trời vẫn hành động ngày hôm nay– Quyền năng của Chúa thực hiện như thế nào? Xem các câu 40-43, chúng ta học được:
- Quyền năng của sự cầu nguyện – câu 40, sứ đồ Phi-e-rơ đã đến và cầu nguyện cho bà Đô-ca.
- Quyền năng của đức tin – câu 40-41, sứ đồ Phi-e-rơ đã bày tỏ cho các môn đồ biết bà vẫn còn sống.
- Quyền năng của sự cứu rỗi – câu 42, bà Đô-ca là lý cớ của sự phát triển công tác truyền giáo.
Tóm lại:
1/ Lời của Đức Chúa Trời kêu gọi Cơ Đốc nhân làm điều thiện cho mọi người, cách đặc biệt cho người khốn khó, kẻ mồ côi và người góa bụa (Ga-la-ti 6:10; Gia-cơ 1:27; I Ti-mô-thê 6:18).
2/ Những việc lành của Cơ Đốc nhân xác chứng đức tin của chúng ta, và chứng minh chúng ta là những con cái Chúa (Gia-cơ 2:26).
3/ Đức Chúa Trời thường sử dụng những việc lành của chúng ta không chỉ làm ích lợi cho người khác nhưng dâng sự vinh hiển cho Chúa (Ma-thi-ơ 5:16).
4/ Đức Chúa Trời có thể sử dụng đời sống của Cơ Đốc nhân để bày tỏ cho người khác nhận biết có Chúa trong đời sống, đem con người đến với Ngài.
(Nhóm biên tập Chuyên mục Nhân vật Kinh Thánh)