Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Na-ô-mi: Mẹ chồng gương mẫu (Phần 1)

Thông thường, khi đọc sách Ru-tơ trong Kinh Thánh Cựu Ước, độc giả Cơ Đốc nghĩ đến Ru-tơ. Cũng đúng thôi, vì phần lớn nội dung tập trung vào Ru-tơ, và sách cũng mang tên Ru-tơ. Thế nhưng, trong nhiều phương diện, toàn bộ sách cũng nói về Na-ô-mi, vì sách Ru-tơ bắt đầu và kết thúc đề cập đến Na-ô-mi. Mặc dù Na-ô-mi không phải là nhân vật chính trong sách Ru-tơ nhưng như các nhân vật Kinh Thánh khác, từ cuộc đời của Na-ô-mi, Cơ Đốc nhân ngày nay có thể rút ra nhiều điều quý báu áp dụng cho đời sống đức tin.

  1. Na-ô-mi từ ngọt ngào đến cay đắng

Như bao người nữ được ghi lại trong Kinh Thánh, chúng ta không biết nhiều chi tiết về Na-ô-mi. Tên của Na-ô-mi trong tiếng Hy-bá-lai נָעֳמִי , có nghĩa là “ngọt ngào” hoặc “niềm vui thích của tôi” và còn có nghĩa là “sự dịu dàng” hoặc “trên hết”. Một người với cái tên đẹp từ trong ra ngoài như vậy sẽ được người khác yêu thương và quý trọng.

Na-ô-mi là một người nữ Y-sơ-ra-ên sống “trong đời các quan xét.” Đó là thời kỳ khoảng giữa năm 1011–971 B.C (trước Chúa), lúc dân Y-sơ-ra-ên đã cư ngụ trong xứ Ca-na-an, nhưng chưa có các vua cai trị họ. Na-ô-mi kết hôn cùng Ê-li-mê-léc và có hai con trai: Mạc-lôn và Ki-li-ôn. Gia đình nầy sống ở Bết-lê-hem, một thành phố nhỏ gần Giê-ru-sa-lem. Bết-lê-hem trong tiếng Hy-bá-lai בֵּית לֶחֶם, có nghĩa là “nhà của bánh”. Tên nguyên thuỷ của thành là Ê-phơ-rát nguyên ngữ אֶפְרָתָה, có nghĩa là “sinh sản nhiều” (tham chiếu Sáng thế Ký 35:19; I Sa-mu-ên 17:12).

Cuộc sống của Na-ô-mi chắc hẳn bình dị, khá dễ chịu, và ngọt ngào trong tình yêu của chồng và hai con trai tại “nhà bánh”. Thế nhưng, điều gì đã khiến cho Na-ô-mi trở nên cay đắng? Cơn đói kém xảy ra trong thành Bết-lê-hem, xứ Giu-đa. Vì vậy, Na-ô-mi đi theo quyết định sai lầm của chồng rời khỏi quê hương để sang đất nước Mô-áp tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn. Tại đất ngoại bang nầy, hai con trai của Na-ô-mi lập gia đình với hai người nữ Mô-áp tên là Ọt-ba và Ru-tơ. Theo luật pháp Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên qua Môi-se, người Y-sơ-ra-ên không được phép lập gia đình với những người nữ ngoại giáo, đặc biệt là đối với dân Am-môn và dân Mô-áp (tham chiếu Phục truyền Luật lệ Ký 7:1-11; 23:3-6; Nê-hê-mi 12:1-3; E-xơ-ra 9:1-4). Chính những người nữ Mô-áp trong thời Môi-se đã xui giục, dụ dỗ những người nam Y-sơ-ra-ên sống sa đọa suy đồi đạo đức và thờ hình tượng và hậu quả đã có 24.000 người phải chết (xem Dân số Ký 25:1-18).

Nghĩ rằng thoát chết vì cơn đói kém ở quê hương, Na-ô-mi lại không tránh khỏi bi kịch thê thảm trong gia đình ở xứ ngoại bang. Na-ô-mi mất cả ba người đàn ông trong cuộc đời của bà, đó là chồng và hai người con trai. Chúng ta không biết những người thân trong gia đình của Na-ô-mi chết như thế nào, nhưng có thể thừa nhận rằng hai con trai của Na-ô-mi không chết ở tuổi già, bởi vì cái chết của họ khiến bà cay đắng và bị sốc. Chỉ trong vòng 10 năm ở xứ ngoại bang, Na-ô-mi trở thành goá phụ và phải chăm sóc cho hai goá phụ khác. Phải chăng đây là sự sửa phạt của Đức Chúa Trời dành cho đứa con bất tuân của Ngài? Ắt hẳn, sự cay đắng đâm rễ trong tấm lòng của Na-ô-mi sau sự mất mát quá lớn nầy. Charles Spurgeon đã từng nói: “Na-ô-mi đã hôn lên cây roi và bàn tay đập mạnh vào bà. Đây là tinh thần thích hợp nhất dành cho một tín hữu chịu sửa phạt.” Tuy nhiên, trong hoàn cảnh đó, mối quan hệ mẹ chồng và nàng dâu gần gũi hơn. Có thể Na-ô-mi cũng an ủi hai con dâu của mình trong nỗi mất mát đầy đau buồn và họ yêu thương giúp đỡ lẫn nhau khi có cần.

Trên hết, là mẹ chồng gương mẫu, Na-ô-mi dạy các con dâu của mình và làm chứng cho họ biết về những việc quyền năng diệu kỳ của Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên. Điều nầy có thể giải thích tại sao lúc đầu cả hai con dâu của Na-ô-mi đều muốn cùng đi với bà trở về quê hương. Ắt hẳn, hai nàng dâu yêu mến mẹ chồng và Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Na-ô-mi. Hơn nữa, sự yêu thương gần gũi giữa mẹ chồng và hai nàng dâu nầy có thể được nhìn thấy trong những lời thuyết phục đầy cảm xúc và chân thành của Na-ô-mi rằng họ nên trở về xứ Mô-áp. Là mẹ chồng tâm lý, Na-ô-mi muốn hai nàng dâu tìm thấy chồng mới ở xứ sở của họ và muốn họ sống hạnh phúc với gia đình mới ở quê nhà (xem Ru-tơ 1:10-13).

Thật vậy, kết quả của tình yêu thương chan hoà giữa mẹ chồng và nàng dâu là một trong hai con dâu của Na-ô-mi, tức là Ru-tơ quyết định đi theo bà trở về quê hương của người chồng quá cố và tuyên xưng đức tin nơi Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên (xem Ru-tơ 1:16-17). Đây là dấu hiệu của tình yêu thương hiệp một giữa mẹ chồng và nàng dâu: Na-ô-mi và Ru-tơ.

Cuối cùng, Na-ô-mi trở về quê hương khi nghe tin tức tốt lành về việc Đức Chúa Trời thăm viếng dân Ngài và ban lương thực. Mọi người trong thành Bết-lê-hem đều xôn xao khi thấy Na-ô-mi đi cùng với con dâu của mình. Na-ô-mi nói với những người chào hỏi bà: “Đừng gọi tôi là Na-ô-mi, mà hãy gọi tôi là Ma-ra, vì Đấng Toàn Năng đã khiến tôi chịu nhiều cay đắng. Tôi ra đi với của cải dư đầy, nhưng Đức Giê-hô-va dắt tôi về tay không. Đức Giê-hô-va đã lên án tôi và Đấng Toàn Năng khiến tôi chịu nhiều khốn khổ. Sao còn gọi tôi là Na-ô-mi làm gì?” (Ru-tơ 1:20-21-TTHĐ). Những năm tháng đầy khó khăn gian khổ của Na-ô-mi ở Mô-áp cùng những nỗi sầu não đau thương mất mát khiến bà càng thêm cay đắng hơn. Đó cũng là ý nghĩa của từ liệu Ma-ra trong tiếng Hy-bá-lai מָרָא, nghĩa là cay đắng.

Tuy nhiên, cuộc đời của Na-ô-mi không kết thúc trong đau khổ và cay đắng, mà hoàn toàn trái ngược!

Những bài học suy gẫm

  1. Hãy trở về nơi Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta.
    Là một người Y-sơ-ra-ên, Na-ô-mi thuộc tuyển dân của Đức Chúa Trời. Cho dù bà đi theo chồng đến một xứ mà Đức Chúa Trời không chọn cho họ, nhưng cuối cùng Na-ô-mi đã chọn trở về xứ Giu-đa, quê hương của bà và được phước. Khi Cơ Đốc nhân chúng ta đi lang thang xa cách khỏi nơi Đức Chúa Trời kêu gọi mình hoặc lẩn tránh những gì Ngài kêu gọi chúng ta thực hiện, thì chúng ta luôn có thể chọn trở về nơi hoặc về với mục đích mà ban đầu Đức Chúa Trời đã định cho chúng ta.
  2. Đức Chúa Trời tể trị và thực hiện kế hoạch của Ngài.
    Đức Chúa Trời sử dụng Na-ô-mi trong kế hoạch cứu chuộc của Ngài để đưa Ru-tơ, con dâu của bà đến đất nước Y-sơ-ra-ên nơi Ru-tơ gặp và lập gia đình với Bô-ô sau nầy. Y như Na-ô-mi không thể hình dung được ý nghĩa của chuyến trở về quê hương của bà, thì chúng ta cũng không thể nhìn thấy bức tranh lớn Đức Chúa Trời đang hành động trong những hoàn cảnh của chúng ta. Nhiệm vụ của chúng ta chỉ tin cậy và vâng lời Cha Thiên thượng, là Đấng làm mọi sự hiệp lại làm ích cho những ai yêu mến Ngài trong bất cứ điều gì xảy ra trong đời sống chúng ta (tham chiếu Rô-ma 8:28). Đức Chúa Trời là Đấng duy nhất biết mọi sự, mọi thử thách và mọi sự cố trong đời sống chúng ta phù hợp với kế hoạch của Ngài như thế nào.
  3. Hãy đồng đi với con dâu qua những khó khăn.
    Na-ô-mi ở cùng với hai con dâu của bà – Ọt-ba và Ru-tơ trong lúc họ chịu đau khổ vì mất chồng, không có con và rồi phải quyết định có nên rời Mô-áp với mẹ chồng không. Na-ô-mi đi qua tất cả những điều đó với hai con dâu của bà. Mỗi gia đình đều trải qua những lúc khó khăn. Đối với một số gia đình, khó khăn có thể là con dâu bị sẩy thai, đối với gia đình khác có thể là đứa con bị bệnh bẩm sinh khó nuôi, và số khác nữa, trẻ sơ sinh chết. Trong những lúc đó, mẹ chồng là tiếng nói an ủi của các nàng dâu rằng những vật lộn họ đang trải qua thì mỗi thế hệ đi trước đều đã từng đối diện, nhưng phải biết và tin rằng Đức Chúa Trời thành tín và thấu hiểu mọi sự.
  4. Lời chứng của chúng ta vô cùng quan trọng để thu phục những linh hồn về Đấng Christ.
    Na-ô-mi có thể để cho nỗi đau buồn và sự cay đắng của linh hồn giam hãm bà, nhưng thay vì ngồi yên và ở lại Mô-áp, thì Na-ô-mi đứng dậy trở về quê hương như một hành động của sự ăn năn. Mãi cho đến lúc Na-ô-mi giữ vững lập trường trở về Y-sơ-ra-ên, Ru-tơ mới trở về thờ phượng Đức Chúa Trời chân thật. Thậy vậy, tình yêu thương của Na-ô-mi đối với Đức Chúa Trời đã chạm vào tấm lòng của con dâu của bà. Cũng vậy, tình yêu thương và cách đối xử nhân từ của Cơ Đốc nhân dành cho người khác sẽ kéo họ về với Đấng Christ. Hơn nữa, tình yêu của chúng ta đối với Chúa và người khác là lời chứng cho nhiều người. Đức Chúa Trời mong đợi tín nhân chúng ta sống cao hơn những người hư mất trong thế gian để họ được thu hút đến Đức Chúa Trời của tình yêu thương.

(Còn tiếp)
(Theo sự hỗ trợ từ Nữ Truyền đạo Lê Thị Lệ Thanh)

Sách tham khảo:
Kinh Thánh tiếng Việt (BTT)
Henry, Matthew. (1921). Matthew Henry’s Commentary on the whole Bible, Vol 2. Joshua to Esther. New York: Flemming H. Revell Company.
Wiersbe, Warren.W. (2007). The Wiersbe Bible Commentary: Old Testament. David C. Cook U.K., Kingsway Communications.

Là Hội Thánh Tin Lành đầu tiên tại Sài Gòn, trực thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, được thành lập năm 1920.
Sứ mệnh Hội Thánh:
“TẤT CẢ VÌ NGƯỜI CHƯA ĐƯỢC CỨU”

© 2024. Bản quyền thuộc về Hội Thánh Tin Lành Sài Gòn