Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Môi-se: Người lãnh đạo vĩ đại

Xuất Ê-díp-tô Ký 1-3; Hê-bơ-rơ 11: 23-28

“Bởi đức tin, Môi-se lúc đã khôn lớn, bỏ danh hiệu mình là con trai của công chúa Pha-ra-ôn, đành cùng dân Đức Chúa Trời chịu hà hiếp hơn là tạm hưởng sự vui sướng của tội lỗi…”

Môi-se là người lãnh đạo cũng là nhà lập pháp vĩ đại được Đức Chúa Trời sử dụng để dẫn dắt dân Do Thái ra khỏi Ai-cập.

Cha mẹ của Môi-se đều thuộc chi phái Lê-vi: một người trong họ Lê-vi là Am-ram (Xuất 2:1) và con gái Lê-vi là Giô-kê-bết (Xuất 6:20).

Môi-se ra đời đang khi dân Y-sơ-ra-ên (Hê-bơ-rơ) làm nô lệ tại Ai-cập khoảng năm 1525 TC, dưới sự cai trị tàn ác của Pha-ra-ôn. Pha-ra-ôn đã ra lệnh: phải làm cho các con trai sơ sinh của người Hê-bơ-rơ chết đi (Xuất 1:16) và ném xuống sông (Xuất 1:22) để tận diệt dân Do Thái.

Bởi đức tin, cha mẹ đã đem giấu Môi-se trong ba tháng, nhưng không thể giấu lâu hơn nữa. Sau đó Giô-kê-bết đặt con mình trong một cái rương mây được trét nhựa chai thật kỹ lưỡng rồi đem giấu trong đám sậy nơi mé sông. Bà sai Mi-ri-am, chị Môi-se, canh chừng cẩn thận. Không lâu sau, khi công chúa của Pha-ra-ôn và các nàng hầu đến tắm trên khúc sông đó, họ nhìn thấy đứa trẻ đang khóc. Công chúa động lòng thương xót. Mi-ri-am nhanh nhẹn xuất hiện và khéo léo đề nghị tìm người vú nuôi cho em bé… Thế là một người phụ nữ Hê-bơ-rơ đã được công chúa giao trách nhiệm: Hãy đem đứa bé về nuôi bú cho ta, ta sẽ trả tiền công cho. Người phụ nữ ấy chính là Giô-kê-bết – mẹ của Môi-se đã ẵm đứa bé về nuôi dưỡng.

Câu chuyện với nhiều tình tiết thật thú vị phải không? Thử hỏi: Tại sao cả dòng sông dài công chúa không tắm nơi nào khác lại xuống tắm nơi gần cái rương mây? Tại sao đứa bé lại khóc ngay lúc công chúa mở rương ra?… Trong từng chi tiết của câu chuyện, chúng ta thấy bàn tay vô hình của Đức Chúa Trời điều khiển mọi sự từ thì giờ đến địa điểm, đến cả tiếng khóc của em bé để chạm đến tấm lòng người nữ Ai-cập… để cứu Môi-se, kể cả trong việc công chúa trao đứa bé lại cho người phụ nữ Hê-bơ-rơ nuôi dưỡng và còn cung cấp tiền bạc đầy đủ nữa.

Có phải việc công chúa trả công cho người phụ nữ Hê-bơ-rơ nuôi dưỡng đứa bé là một quyết định thật liều lĩnh, dại dột không? Ai lại phải tốn kém, nhọc lòng để lo cho người là kẻ thù với dân tộc mình? Và đây là hành động công khai chống lại lệnh truyền của Pha-ra-ôn.

Cảm tạ Chúa vì Ngài vẫn tể trị trên dân sự của Ngài, dù dân sự sống trong kiếp nô lệ tại Ai-cập, hoàn cảnh thật khốn khổ, mạng sống bị đe dọa dưới sự cai trị tàn ác của Pha-ra-ôn – là thế lực Sa-tan dùng để phá hỏng kế hoạch của Đức Chúa Trời. Nhưng lạ lùng thay! Ngài lại khiến con gái của Pha-ra-ôn phải nuôi dưỡng và dạy dỗ Môi-se để sau này Môi-se trở thành người được Chúa dùng đưa dắt dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai cập, cũng như do sự cảm thúc bởi Thần Linh, Môi se đã ký thuật phần Ngũ kinh trong Cựu Ước, được sự xác chứng trong Công vụ 7:20-22 “Môi-se sanh ra, người xinh tốt lạ thường…Môi-se được học cả sự khôn ngoan của người Ê-díp-tô (Ai-cập) lời nói và việc làm đều có tài năng”. Một học giả Cựu Ước nổi tiếng đã nhận xét: Vai trò của Môi-se trong việc hình thành tác phẩm văn chương này thật nổi bật… và đáng dành cho ông địa vị rất tôn trọng trong việc phát triển sử thi của người Y-sơ-ra-ên, được cả người Do Thái lẫn Cơ Đốc nhân tôn kính như người trung bảo vĩ đại của Luật pháp Đức Chúa Trời.

Môi-se đã bắt đầu chức vụ sau một chặng đường dài: Bốn mươi năm trong cung điện Ai-cập với địa vị là hoàng tử, nhưng vẫn không quên nguồn cội và dân tộc mình. Rồi một ngày ông chứng kiến cảnh người Ai-cập đánh người Hê-bơ-rơ, ông đã giết người Ai-cập đó để giải cứu một người Hê-bơ-rơ trong vòng anh em mình. Vì sự việc nầy bị bại lộ nên Môi-se phải trốn khỏi Ai-cập, qua đồng vắng xứ Ma-đi-an và rồi ở đó suốt bốn mươi năm. Tại Ma-đi-an, Môi se đã có gia đình, có nghề nghiệp, có tài sản,… xem như mọi sự đã êm ấm, mãn nguyện rồi phải không? Thưa không! Lòng Môi-se không bao giờ quên Đức Chúa Trời, không quên tổ phụ mình, và cũng không quên gia đình mình thuộc về dòng dõi người Lê-vi – một chi phái được biệt riêng để phục vụ Đức Chúa Trời.

Và đến một ngày, Môi-se chăn bầy chiên cho Giê-trô, ông gia mình. Môi-se dẫn bầy chiên qua phía bên kia đồng vắng, đến núi của Đức Chúa Trời (Xuất 3:1). Thật sự, Môi-se khao khát Chúa, tìm kiếm Chúa, quyết tâm vượt mọi gian khó, băng qua đồng vắng mênh mông,… để được gần gũi với Ngài. Lời Chúa phán: Các ngươi sẽ tìm ta và gặp được khi các ngươi tìm kiếm ta hết lòng (Giê-rê-mi 29:13). Thiên sứ của Đức Giê-hô-va hiện ra cùng Môi-se trong bụi gai cháy mà không hề tàn. Từ biến cố lạ lùng nầy đã thay đổi cuộc đời khi Môi-se đối diện với Chúa là Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời của Y-sác và Đức Chúa Trời của Gia-cốp khi Ngài gọi tên ông: “Hỡi Môi-se! Hỡi Môi-se!”. Từ giờ phút thiêng liêng ấy, Môi-se đã nhận biết chính mình là người yếu đuối, dại dột, kém cỏi, thấp hèn lắm. Giờ đây ông cần biết rõ hơn về Chúa nên ông hỏi: Tên Ngài là chi? (Xuất 3:13). Đức Chúa Trời phán rằng: Ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu – Đấng Tự Có và Đấng Hằng Còn đến đời đời (Xuất 3:14).

Từ đó, Môi-se quyết tâm đi theo tiếng gọi và sự sai phái của Chúa, để trở nên người lãnh đạo dẫn dắt dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai-cập – khỏi kiếp nô lệ kéo dài hơn 400 năm. Ông sẵn sàng ra đi cùng dân mình với biết bao thách thức, gian nguy trong hành trình về Ca-na-an – miền đất Chúa ban cho họ. Làm sao có thể thuật hết những chặng đường gian khổ, nguy nan hay những chiến thắng khải hoàn mà Môi-se đã dắt đưa hơn hai triệu người trong thời gian 40 năm dài giữa sa mạc mênh mông…

Tạ ơn Chúa, đây là Lời Chúa dành cho Môi-se: “Môi-se là người rất khiêm hòa hơn mọi người trên thế gian” (Dân 12:3)

Lời khuyên Môi-se dành cho Giô-suê và cũng cho chúng ta ngày nay: “Hãy vững lòng bền chí; chớ sợ chi và chớ kinh khủng trước mặt các dân đó: vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi đi cùng ngươi, Ngài chẳng lìa khỏi ngươi, chẳng từ bỏ ngươi đâu.” (Phục truyền 31:6)

*Nguyện Chúa cho chúng ta học theo gương Môi-se:

– Dầu trong hoàn cảnh nào vẫn luôn nhớ rằng chúng ta là con dân Chúa, được Chúa cứu chuộc bởi huyết vô tội của Ngài, và biệt riêng để chúng ta yêu kính, tôn thờ, phục vụ Ngài.

– Mỗi ngày chúng ta đến gần với Chúa hơn, để biết Chúa nhiều hơn, kinh nghiệm trong tình yêu Chúa thắm thiết hơn.

– Chúng ta là những lữ khách đang băng qua sa mạc trong trần gian nầy… rồi hết thảy sẽ bước vào Ca-na-an – miền vinh hiển phước hạnh Chúa sắm sẵn cho chúng ta.

(Theo sự hỗ trợ từ Bà Mục sư Nguyễn Thế Hiển)

Là Hội Thánh Tin Lành đầu tiên tại Sài Gòn, trực thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, được thành lập năm 1920.
Sứ mệnh Hội Thánh:
“TẤT CẢ VÌ NGƯỜI CHƯA ĐƯỢC CỨU”

© 2024. Bản quyền thuộc về Hội Thánh Tin Lành Sài Gòn