Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Giép-thê: Người chiến sĩ dũng cảm (Phần 2)

Mặc dù từng bị khước từ, bị ruồng rẫy bởi người thân và các trưởng lão, nhưng Giép-thê được Đức Chúa Trời sử dụng làm quan xét trong dân Y-sơ-ra-ên để giải cứu họ khỏi kẻ thù (tham chiếu phần 1). Mục sư Church Swindoll cũng là nhà giáo dục và nhà truyền  giáo đã từng nói: “Không phải điều xảy đến với chúng ta làm nên sự khác biệt, nhưng mà cách chúng ta phản ứng với điều xảy đến chúng ta.” Giép-thê đã có thái độ đúng và phản ứng đúng trước sự khước từ để rồi ông tiến về phía trước với đức tin nơi Đức Chúa Trời khi Ngài kêu gọi ông làm quan xét của dân Y-sơ-ra-ên. Hơn nữa, Giép-thê còn được Kinh Thánh mô tả là một “tay dõng sĩ” hoặc “chiến sĩ dũng cảm” (Các Quan Xét 11:1).

3. Giép-thê là một chiến sĩ dũng cảm

Các Quan Xét 11 là chương mang tính hiếu chiến và đối đầu nhất trong Kinh Thánh vì từ liệu “giao chiến, đánh nhau” (fight/war) xuất hiện 11 lần, hơn cả trận chiến của Giô-suê chống lại năm vua của xứ Ca-na-an (tham chiếu Giô-suê 10). Dân Am-môn trở nên hùng mạnh từ việc liên kết với Mô-áp và A-ma-léc (Các Quan Xét 3:12-13), với dân Phi-li-tin (Các Quan Xét  10:7) và rồi tấn công Y-sơ-ra-ên (Các Quan Xét  10:9). Không những họ tấn công Ga-la-át, mà còn gây nên sự áp bức tại xứ nầy, khiến dân sự khốn khổ (tham chiếu Các Quan Xét  11:7).

Dù vậy, Giép-thê không vội vã giao chiến nhưng khôn ngoan thương lượng hoà bình với dân Am-môn. Điều nầy cho chúng ta thấy tính khiêm nhường và sự khôn ngoan của Giép-thê. Hầu hết con người muốn thể hiện lòng dũng cảm trong chiến trận, để gây ấn tượng đến những người đã từng tỏ ra tin tưởng nơi họ, và đảm bảo chiến thắng. Thế nhưng, Giép-thê tự kiềm chế mình, và qua các sứ giả đã trình bày lý lẽ để thuyết phục rằng việc dân Am-môn chiếm quyền lãnh thổ phía đông sông Giô-đanh là không có căn cứ. Giép-thê chủ động những cuộc thương lượng hoà bình, mặc dù không thành công, nhưng ông biết Lời Kinh Thánh về lịch sử của dân tộc mình (tham chiếu Các Quan Xét 11:14-20). Thật vậy, Giép-thê không những là người chiến sĩ dũng cảm mà còn có tấm lòng làm cho người hoà thuận.

Điều đáng chú ý là trong mọi thương lượng đó, Giép-thê quy vinh hiển về Đức Giê-hô-va – Đấng ban chiến thắng cho dân Y-sơ-ra-ên (Các Quan Xét 11:9, 21, 23-24). Tiến sĩ Thomas Constable ghi chú rằng Giép-thê sử dụng danh Đức Giê-hô-va thường xuyên hơn bất cứ người nào khác trong Các Quan Xét. Đức tin thật luôn neo chặt với lẽ thật của Lời Đức Chúa Trời. Đức tin thật luôn đầu phục Đức Chúa Trời Ba Ngôi. Thật vậy, chính đức tin thật của Giép-thê mà Đức Chúa Trời lắng nghe lời cầu nguyện của ông và hứa ban cho ông và dân Y-sơ-ra-ên chiến thắng lớn trên dân Am-môn (Các Quan Xét  11:30).

Bất cứ khi nào Đức Chúa Trời chọn một người cho công việc Ngài, Ngài sẽ ban quyền  năng và làm cho người đó vững mạnh để thực hiện công tác Chúa giao phó. Bởi ân điển của Ngài, “Thần của Đức Giê-hô-va bèn cảm động Giép-thê” (Các Quan Xét 11:29a). Rõ ràng, chiến thắng của Giép-thê là bởi Thánh Linh Đức Chúa Trời giáng trên ông và ông phụ thuộc vào Ngài, chứ không dựa vào bản thân và đội quân của ông (Các Quan Xét 11:32-33).

II. Những thành công và thất bại của Giép-thê

Không có gì nghi ngờ khi Giép-thê đã thành công trong chiến trận, giải cứu dân Y-sơ-ra-ên khỏi tay dân Am-môn. Thế nhưng, Giép-thê đã hấp tấp lập lời thề nguyện như một mặc cả với Chúa trong khi ra trận. Lời thề nguyện hấp tấp nầy khiến cho Giép-thê, người làm cha đau  khổ như sự thất bại trong cuộc đời của ông.

1. Những thành công của Giép-thê

a. Giép-thê làm quan xét của Y-sơ-ra-ên trong vòng 6 năm (Các Quan Xét  12:7).

b. Bởi đức tin, Đức Chúa Trời ban chiến thắng lớn cho Giép-thê: chiếm được 20 thành của dân Am-môn và dân Am-môn bị đại bại trước Y-sơ-ra-ên (Các Quan Xét  11:33).

c. Giép-thê đánh bại người Ép-ra-im, là những người muốn chia sẻ chiến thắng của ông nhưng lại xúc phạm và đe doạ mạng sống ông (tham chiếu Các Quan Xét  12:1-5).

d. Dân Y-sơ-ra-ên có ba mươi mốt năm hòa bình và yên ổn dưới sự lãnh đạo của Giép-thê và ba người tiếp nối ông – Iếp-san, Ê-lôn và Áp-đôn (tham chiếu Các Quan Xét  12:6-15).

2. Những thất bại của Giép-thê

Sau khi chiến thắng, Giép-thê trở về nhà với niềm vui, ông nhớ lời hứa của mình với Đức Chúa Trời, “…Nếu Ngài phó dân Am-môn vào tay con thì khi thắng trận trở về, bất cứ người hay vật nào từ cửa nhà con ra đón rước con, thì người hay vật ấy sẽ thuộc về Đức Giê-hô-va, và con sẽ dâng làm tế lễ thiêu” (Các Quan Xét  11:30-31-TTHĐ). Chắc chắn, tin mừng chiến thắng lan truyền đến nhà của Giép-thê trước khi ông trở về, và con gái duy nhất của ông chạy ra vui mừng đón cha. Thay vì chia sẻ niềm vui với con gái, Giép-thê “khốn khổ vô cùng” và “rối trí” (Các Quan Xét  11:35-TTHĐ). Giép-thê thật là người cha đau khổ chỉ vì lời hứa hấp tấp của mình.

Lời thề nguyện của Giép-thê là một trong những đề tài thú vị và gây nhiều tranh cãi nhất trong tất cả các phân đoạn Kinh Thánh Cựu Ước. Nhiều thế kỷ qua, các học giả Kinh Thánh tranh cãi liệu Giép-thê có thật sự dâng con gái của ông làm của lễ thiêu hay không. Dù vậy, Kinh Thánh không nói gì thêm về lời thề nguyện của Giép-thê, ngoài việc lời thề nguyện được thực hiện. Hầu hết các nhà giải kinh cho rằng con gái của Giép-thê không lập gia đình như sự dâng mình trọn vẹn khi vâng phục cha để làm thành lời hứa nguyện với Chúa (tham chiếu Các Quan Xét 11:39).  

** Những bài học suy gẫm

1. Bí quyết thành công của Giép-thê là tin cậy và vâng lời Đức Giê-hô-va (tham chiếu Hê-bơ-rơ 11:32). Đây là chìa khoá thành công trong đời sống thuộc linh. Cuộc đời của Giép-thê nhắc tín nhân ngày nay nhớ rằng Đức Chúa Trời có quyền sử dụng những con người có lai lịch phức tạp. Ngài sử dụng những điểm yếu và điểm mạnh trong đời sống của họ và chuẩn bị mọi điều để trang bị họ đảm trách một công tác cho chính Ngài. Như Giép-thê, Cơ Đốc nhân ngày nay không quan trọng vì gia thế, hay thành công hoặc thất bại, mà cuộc đời của chúng ta có ý nghĩa vì đặt đức tin nơi Đức Chúa Trời.

2. Nguồn can đảm hoặc dũng cảm của Giép-thê cũng như của Cơ Đốc nhân ngày nay chính là Thần của Đức Giê-hô-va. Khi chúng ta bị vây lấy bởi sự sợ hãi và lo lắng, chúng ta cần đầy dẫy Đức Thánh Linh, Đấng ở trong chúng ta yên ủi và ban sự khôn ngoan cho chúng ta để đối diện những tình huống đó. Còn trong công tác phục vụ, để tìm cách thực hiện ý muốn của Đức Chúa Trời, Lời Chúa dành cho Cơ Đốc nhân chúng ta luôn là “Ấy chẳng phải là bởi quyền thế, cũng chẳng phải là bởi năng lực, bèn là bởi Thần Ta” (Xa-cha-ri 4:6).

3. Hứa nguyện với Chúa luôn là tự nguyện. Nhưng lời thề nguyện hấp tấp của Giép-thê như lời cảnh báo cho tín hữu chúng ta ngày nay. Nhà truyền đạo có dạy: “Con đừng vội vàng mở miệng, cũng đừng hấp tấp nói điều gì trước mặt Đức Chúa Trời. Vì Đức Chúa Trời ở trên trời, còn con ở dưới đất. Vậy, hãy ít lời… Khi con hứa nguyện điều gì với Đức Chúa Trời thì đừng chậm trễ hoàn nguyện, vì Ngài chẳng vui thích kẻ dại. Vậy, hãy hoàn thành điều con hứa nguyện. Thà đừng hứa nguyện hơn là hứa nguyện mà không hoàn nguyện.” (Truyền đạo 5:2, 4, 5-TTHĐ).

Sách tham khảo

Kinh Thánh tiếng Việt (BTT)

Breckenridge, James P. (2003). Jephthah’s Sacrifice: Nature and Significance for Today. Torch Trinity Journal 6(1),118-131.

Cadman. Wm. C. (1958). Thánh Kinh Tự Điển. Quyển Thượng. Nhà in Tin Lành Saigon.

Henry, Matthew. (1921). Matthew Henry’s Commentary on the whole Bible, Vol 1. Genesis to Deuteronomy. New York: Flemming H. Revell Company.

Keil, C.E & Delitzsch, F. (1963). Commentary on the Old Testament in Ten Volumes: The Pentateuch. Vol 1. Grand Rapids, MI: Wm B Eerdmans.

Marshall, I. Howard et all.,. (2009). Thánh Kinh tân tự điển. 3rd Ed. byViện Thần Học Việt  Nam. Nhà xuất bản Hồng Đức.

Wiersbe, Warren.W. (2007). The Wiersbe Bible Commentary: Old Testament. David C. Cook U.K., Kingsway Communications.

(Theo sự hỗ trợ của Nữ Truyền đạo Lê Thị Lệ Thanh)

Là Hội Thánh Tin Lành đầu tiên tại Sài Gòn, trực thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, được thành lập năm 1920.
Sứ mệnh Hội Thánh:
“TẤT CẢ VÌ NGƯỜI CHƯA ĐƯỢC CỨU”

© 2024. Bản quyền thuộc về Hội Thánh Tin Lành Sài Gòn