Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Hội Thánh Tin Lành Cần Đước (1936)

 “Dân ấy ngồi chỗ tối-tăm, Đã thấy ánh sáng lớn; Và trên những kẻ ngồi trong miền và dưới bóng sự chết, Thì ánh sáng đã mọc lên.” (Ma-thi-ơ 4:16)

Cảm tạ Chúa vì Tin Lành đã đến Việt Nam, cứu con cái Ngài khỏi bóng sự chết.

Thời kỳ sơ khai

Năm 1930, cụ Đặng Xuân Đài lúc bấy giờ là giáo chủ đạo “Dừa Chuối” tại Long Hựu và cụ Lê Văn Chăng, trong một dịp đi Mỹ Tho, đã có cơ hội được nghe về Tin Lành. Hai cụ đã tiếp nhận Chúa và quay về làm chứng cho gia đình, người thân cũng như các tín hữu của mình.

Dù đi lại rất khó khăn, mỗi chiều thứ Bảy họ đều trung tín chèo ghe xuống nhóm lại tại Hội Thánh Tin Lành Mỹ Tho, nhóm xong về nhà thì cũng đã rạng sáng thứ Hai. Sông sâu nước lớn, lại chèo ngược sóng, nên sau này cụ đã được giới thiệu nhóm lại tại Hội Thánh Tin Lành Sài Gòn.

Tháng 3/1931 cụ Đặng Xuân Đài và 46 người nhận lễ Báp-têm tại trụ sở Hội Truyền giáo, số 329 Frère Louis và trở thành thuộc viên của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam.

Cuối năm 1931 đến năm 1932 đã có thêm 60 người nhận Thánh lễ Báp-têm và danh sách tín hữu là hơn 100 người.

Giai đoạn hình thành Hội Thánh Tin Lành Cần Đước

Năm 1936, số tín hữu đã vượt trên 100 người, nên Hội Thánh Tin Lành Sài Gòn xin phép chính quyền mở thêm Hội Thánh tại Long Hựu. Tuy nhiên, khi nhận được giấy phép vào tháng 6/1936, thì cơ sở Hội Thánh lại được cho phép mở tại Cần Đước. Vì vậy hằng tuần con cái Chúa tại Long Hựu phải đi bộ đến Cần Đước, với quãng đường từ 8-15km để thờ phượng Chúa.

Cũng trong năm này, Tổng liên hội bổ nhiệm Mục sư Hoàng Trọng Vân (lúc bấy giờ còn là Truyền đạo) đến chăm sóc và phát triển Hội Thánh.

Mục sư Hoàng Trọng Vân ở tại Hội Thánh Cần Đước song hằng tuần ông vẫn đến Long Hựu để thăm viếng, dạy đạo và tập hát cho một số đông con cái Chúa không thể đến nhà thờ vì xa xôi.

Từ năm 1938-1944 trong nhiệm kỳ của Mục sư Diệp Văn Cẩn, ngôi nhà thờ đầu tiên đã được xây dựng và hoàn tất. Nhà thờ lúc bấy giờ được gọi là Nhà giảng: mái ngói móc, vách bằng ván, toà giảng bằng bục gỗ. Hội Thánh Sài Gòn cũng hỗ trợ rất nhiều cho Hội Thánh Cần Đước khi dâng 1 tủ giảng, 25 băng ngồi và một số ghế. Đồng thời, một số viên chức và Thanh niên của Hội Thánh Sài Gòn thường đến hỗ trợ cho Hội Thánh Cần Đước trong chương trình thờ phượng và sinh hoạt.

Giai đoạn ổn định Hội Thánh

Năm 1944-1952 Mục sư Nguyễn Văn Tửu nhận chức Chủ toạ Hội Thánh Cần Đước. Giai đoạn này Hội Thánh gặp nhiều khó khăn do chiến tranh nhưng Chúa cho một số thanh niên ưu tú trong Hội Thánh dâng mình, ra đi học trường Kinh Thánh để trở nên người hầu việc Chúa.

Về cơ sở vật chất, trong giai đoạn này, nhà thờ đã được lót nền bằng gạch, đồng thời cũng cất lại tư thất cho Chủ toạ.

Giai đoạn từ năm 1952-1954, Mục sư Lê Văn Trầm làm Chủ toạ Hội Thánh. Hội Thánh có làm 2 hồ chứa nước mưa bằng tôn, rất lớn. Sau này dùng làm lễ báp-têm cho tín hữu.

Tháng 7/1954 Mục sư Võ Thạnh Thời đến nhậm chức Chủ toạ Hội Thánh Cần Đước. Mục sư có nhiều kế hoạch truyền giảng Tin Lành rộng khắp. Ngoài ra, cũng tổ chức Hội đồng Bồi linh cho các tín hữu để làm tốt công tác chăm sóc người mới. Chúa ban cho Hội Thánh được nhiều kết quả cả mặt thuộc linh lẫn thuộc thể.

Năm 1958-1963 Mục sư Nguyễn Thanh Hằng làm Chủ toạ Hội Thánh. Tổ chức Hội Thánh được cải tiến: ban Trị sự được bầu cử từ ban Chấp sự thay vì được bầu cử giữa Hội Thánh như trước.

Tháng 6/1963 Mục sư Nguyễn Văn Phấn đến nhậm chức Chủ toạ Hội Thánh Cần Đước. Các chương trình truyền giảng và bồi linh được Hội Thánh thường xuyên tổ chức hàng năm. Đặc biệt trong giai đoạn này nền tài chính của Hội Thánh được củng cố nên tiến lên Chi hội tự trị cho đến ngày nay.

Năm 1967 Mục sư Nguyễn Thành Sơn nhậm chức Chủ toạ Hội Thánh Cần Đước. Bên cạnh việc xây dựng Hội Thánh, Mục sư cũng quan tâm đến lãnh vực giáo dục cho con em. Vì vậy, trường Mẫu giáo Phúc Âm được hình thành trước tiên, tiếp theo là trường Tư thục Tin Lành.

Từ năm 1971-1973 Mục sư Nguyễn Văn Tâm là Chủ toạ Hội Thánh, do tuổi cao nên Mục sư xin nghỉ hưu. Tháng 7/1973 Mục sư Lê Đình Ân đến nhậm chức Chủ toạ Hội Thánh Cần Đước. Hội Thánh được tăng trưởng về nhiều mặt. Đến cuối năm 1974 nhà thờ được xây dựng lại kiên cố. Vào ngày 13/4/1975 lễ Cung hiến nhà thờ diễn ra rất trọng thể.

Hội Thánh trong giai đoạn từ năm 1975-nay

Năm 1975-1980 Mục sư Huỳnh Tiên làm Chủ toạ Hội Thánh Cần Đước. Đây là thời kỳ đất nước mới độc lập nên điều kiện vật chất còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng đầy tớ Chúa vẫn kiên trì trung tín hầu việc Chúa.

Tháng 10/1980 Mục sư Nguyễn Văn Khoa Tràng về nhậm chức Chủ toạ Hội Thánh Cần Đước, tôi tớ Chúa đã tiến hành xin phép mở Nhà nguyện tại xã Long Hựu. Đến năm 1981, chính quyền chấp thuận. Tháng 12/1981 lễ Cung hiến và khánh thành Nhà nguyện được tổ chức một cách trọng thể.

Do ngày càng phát triển nên tháng 5/2001 khi có giấy phép và tài chính ổn định, Hội Thánh đã tổ chức lễ Khởi công xây dựng Giáo sở Cần Đước gồm nhà thờ, tư thất và các phòng sinh hoạt. Tháng 6/2003 Hội Thánh Cần Đước tổ chức lễ Cung hiến và Khánh thành nhà thờ.

Năm 2008- 2010 Mục sư Ngô Văn Kiếm tạm lo mục vụ cho Hội Thánh Cần Đước do Mục sư Đặng Dồi Dào (nhiệm kỳ 2005-2008) xin về hưu vì tuổi già, sức khoẻ yếu.

Đến tháng 3/2010 Mục sư Huỳnh Tấn Sĩ đến nhậm chức Quản nhiệm Hội Thánh. Hội Thánh được trang bị thêm các thiết bị âm thanh, nghe nhìn và gắn máy điều hoà trong phòng nhóm chính.

Từ năm 2014 đến nay, Mục sư Nguyễn Đăng Khoa làm Quản nhiệm Hội Thánh, giúp Hội Thánh ổn định và phát triển.

Cảm tạ Chúa, khi nhìn qua chặng đường hình thành và phát triển Hội Thánh Cần Đước. Tôi con Chúa chỉ biết ca ngợi Ngài vì tình yêu thương và sự dẫn dắt của Ngài. Với 11 ban ngành và 500 tín hữu đang nhóm lại tại ngôi nhà thờ khang trang như hiện nay, thật lời ca ngợi Chúa sẽ không dứt, không thôi và còn ca ngợi Chúa đời đời.

Ban Truyền thông HTTL. Sài Gòn

Là Hội Thánh Tin Lành đầu tiên tại Sài Gòn, trực thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, được thành lập năm 1920.
Sứ mệnh Hội Thánh:
“TẤT CẢ VÌ NGƯỜI CHƯA ĐƯỢC CỨU”

© 2024. Bản quyền thuộc về Hội Thánh Tin Lành Sài Gòn