Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

A-rôn: Thầy tế lễ thượng phẩm (phần 1)

Khi nói đến hoặc suy nghĩ về những lãnh đạo của dân Y-sơ-ra-ên, thì hầu hết tín hữu nghĩ ngay đến những vị lãnh đạo tài ba nổi bật như Môi-se, Giô-suê, Đa-vít,… chứ A-rôn không phải là người đầu tiên, nhưng A-rôn đóng vai trò quan trọng trong Y-sơ-ra-ên. Như nhiều nhân vật Kinh Thánh khác, A-rôn là một tội nhân có những sai lầm, khiếm khuyết nhưng cuộc đời của ông là một trong những tấm gương tuyệt vời dành cho những ai đi theo sự kêu gọi phục vụ, yêu thương và có ảnh hưởng.

  1. A-rôn là ai trong Kinh Thánh?

Tên A-rôn trong tiếng Hy-bá-lai אַהֲרֹן có nghĩa là “núi sức mạnh” hay tên ấy có ý nói tới “được khai sáng.”

Có thể nói, A-rôn được sinh ra trong gia đình thuộc dòng dõi Lê-vi vì mẹ của A-rôn là Giô-kê-bết, con gái của Lê-vi (tham chiếu Dân 26:59), và cha của ông là Am-ram, cháu Lê-vi (tham chiếu Xuất 6:18-20; Dân 3:19). Am-ram và Giô-kê-bết có ba người con, A-rôn, Mi-ri-am và Môi-se. Trong ba người con của Am-ram và Giô-kê-bết, thì A-rôn, con đầu lòng của họ được biệt riêng để làm chức thầy tế lễ và đã trở thành người sáng lập chính chức vụ nầy. Thật vậy, A-rôn là thầy tế lễ thượng phẩm đầu tiên và là khuôn mẫu cho mọi thầy tế lễ theo sau (tham chiếu Dân 17: 5-10). Điều nầy cho thấy Đức Chúa Trời chọn gia đình của Am-ram và Giô-kê-bết bởi ân điển và ý muốn của Ngài.

Về hôn nhân gia đình, A-rôn cưới Ê-li-sê-ba làm vợ và họ có bốn người con: Na-đáp, A-bi-hu, Ê-lê-a-sa, và Y-tha-ma (Xuất 6: 22).

Lần đầu tiên Kinh Thánh đề cập đến A-rôn khi Môi-se từ chối vâng theo mệnh lệnh của Đức Chúa Trời về việc đem dân sự của Ngài ra khỏi xứ Ai Cập. Đức Chúa Trời chỉ định A-rôn là người giúp đỡ Môi-se vì A-rôn “có tài ăn nói” (Xuất 4:14). Mặc dù A-rôn không phải là người đầu tiên Đức Chúa Trời kêu gọi lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên, nhưng ông đóng vai trò quan trọng trong việc cùng với Môi-se lãnh đạo dân sự của Đức Chúa Trời. Nếu không có A-rôn, Môi-se có thể trốn tránh nhiệm vụ Chúa giao. Thế nhưng, A-rôn người là bạn đồng hành và là người cộng tác của Môi-se trong 40 năm kế tiếp. Dù tên của A-rôn không được đề cập nhiều trong Kinh Thánh như tên của Môi-se nhưng sự đóng góp của A-rôn là rất lớn trong công cuộc đem dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập.

** Tương tự, Đức Chúa Trời có thể kêu gọi tất cả tín hữu gặp gỡ một ai đó giúp đỡ, đồng hành với họ trong khả năng ân tứ Chúa ban để làm thành ý muốn của Ngài trên đất. Sự kêu gọi của Đức Chúa Trời nghĩa là sự ban cho năng lực của Đức Chúa Trời, và điều gì Đức Chúa Trời đã bắt đầu thì Ngài luôn hoàn tất (tham chiếu Ê-phê-sô 2:10; Phi-líp 1:6).

  1. Những trách nhiệm của A-rôn

Có ít nhất 2 trách nhiệm mà A-rôn được Đức Chúa Trời kêu gọi thực hiện, đó là làm người phát ngôn cho Môi-se và thầy tế lễ thượng phẩm.

(a) A-rôn làm người phát ngôn cho Môi-se (xem Xuất 4:16; Xuất 6:26-7:2).

Việc Đức Chúa Trời sai A-rôn tiếp đón Môi-se trong Xuất-ê-díp-tô-Ký 4:27-28 cho thấy Ngài đồng hành với Môi-se lẫn A-rôn trong kế hoạch của Ngài về việc giải phóng dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi cảnh nô lệ Ai Cập. Thật ra, Đức Chúa Trời không chọn A-rôn vì ông có tài ăn nói giỏi. Tài ăn nói giỏi không phải là yếu tố tiên quyết. Một người chỉ nói sự thật trong tình yêu thương là cần đủ. Đức Chúa Trời là Đấng ban ân tứ khi Ngài chọn bất cứ ai cho mục đích của Ngài. Nếu Đức Chúa Trời chọn Môi-se, Ngài có thể ban cho Môi-se điều ông cần. Thật vậy, Đức Chúa Trời ban cho Môi-se điều ông cần, đó là A-rôn, một người có thể làm phát ngôn cho Môi-se trong cuộc xuất hành khỏi Ai Cập của dân Y-sơ-ra-ên đến Đất Hứa. Thật tuyệt vời khi A-rôn đáp ứng ngay sự chỉ định của Đức Chúa Trời trong sự vâng lời và tin những điều Đức Chúa Trời phán với Môi-se (Xuất 4:27-31). Dường như A-rôn làm nhiệm vụ của người phát ngôn cho Môi-se mà không thắc mắc, nhưng sẵn lòng giúp đỡ em mình và thay mặt nói với dân sự. Khi câu chuyện xuất Ai Cập ký mở ra, chúng ta có thể thấy cả Môi-se lẫn A-rôn đều đến trước mặt Pha-ra-ôn, thỉnh cầu Pha-ra-ôn để cho dân sự đi và thực hiện nhiều dấu lạ. Cũng vậy, Đức Chúa Trời sử dụng cây gậy của A-rôn trong nhiều dấu kỳ và tai vạ. Môi-se và A-rôn vâng theo sự chỉ dạy của Đức Chúa Trời, và dân Y-sơ-ra-ên cuối cùng được giải phóng khỏi Ai Cập. Tuy nhiên, A-rôn vẫn tiếp tục cùng Môi-se lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên suốt thời gian lang thang trong đồng vắng như một người giúp đỡ và phát ngôn cho Môi-se.

** Nhận lãnh trách nhiệm là một phát ngôn viên cho Môi-se, A-rôn thật sự là một người khiêm nhường ở vị trí người giúp đỡ và đứng bên cạnh em mình trong sự phục vụ. Đây là thái độ cần có của Cơ Đốc nhân chúng ta ngày nay khi tham gia vào công tác phục vụ trong nhà Chúa. Dù ở vị trí lãnh đạo trung tâm hoặc có thể là người giúp đỡ ở phía sau, Cơ Đốc nhân cần có tinh thần khiêm nhường và vâng lời sự chỉ dạy của Chúa để thực hiện mục đích Chúa đặt để trong vương quốc của Ngài.

(Theo sự hỗ trợ từ Nữ Truyền đạo Lê Thị Lệ Thanh)

Là Hội Thánh Tin Lành đầu tiên tại Sài Gòn, trực thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, được thành lập năm 1920.
Sứ mệnh Hội Thánh:
“TẤT CẢ VÌ NGƯỜI CHƯA ĐƯỢC CỨU”

© 2024. Bản quyền thuộc về Hội Thánh Tin Lành Sài Gòn