Tôi có một đứa con trai ở tuổi thiếu niên. Tôi cũng có chút chút kiến thức về việc nuôi dạy con trong độ tuổi này. Nhưng thật sự nhiều lúc tôi cảm thấy không thể hiểu được con. Hình như cháu chỉ muốn làm ngược lại những gì tôi yêu cầu. Hình như chẳng có điều gì ở cháu khiến tôi hài lòng. Tình cảm mẹ con vì thế cũng ngày càng xa cách. Có lúc tôi thấy con chỉ làm tôi bực mình. Nhiều lúc thấy sao thật khó thương dù là con mình sinh ra. Có phụ huynh nào giống như tôi không? Tôi thấy lo lắng quá.
Chị thân mến,
Góc tâm vấn xin được chia sẻ với chị nỗi niềm của một người mẹ có con tuổi thiếu niên. Điều đáng mừng là chị đã biết trước những khó khăn sẽ gặp khi con đi qua giai đoạn này, nên chị đã chuẩn bị cho mình “chút chút kiến thức về việc nuôi dạy con trong độ tuổi này”. Thế nhưng nhiều lúc chị “cảm thấy không thể hiểu được con”. Và điều chị lo lắng là “tình cảm mẹ con ngày càng xa cách” vì chị chỉ thấy con luôn làm chị bực mình nên khó mà yêu thương gần gũi con như khi nó còn nhỏ.
Góc tâm vấn nghĩ rằng chị không phải là người mẹ duy nhất trên đời này có những cảm xúc và nỗi lo như vậy. Có nhiều đứa trẻ khi còn nhỏ thì ngoan ngoãn vâng lời, nhưng khi bước vào tuổi thiếu niên thì tính tình thay đổi, thậm chí trở thành những đứa con ngỗ nghịch hay nổi loạn. Thật ra, sự thay đổi về tâm sinh lý khi con bước vào tuổi thiếu niên là điều tất yếu trong sự phát triển của con người. Bản thân đứa trẻ cũng gặp nhiều căng thẳng, áp lực, và khó khăn khi bước vào giai đoạn này. Và việc chúng sẽ trở thành đứa con ngỗ nghịch, nổi loạn hay ngoan hiền một phần tùy vào phản ứng của phụ huynh trước những thay đổi của con. “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, không có công thức chung nào có thể áp dụng cho tất cả những phụ huynh có con tuổi thiếu niên, nhưng dưới đây là một vài điều phụ huynh chúng ta cần nhớ khi con trở nên “khó ưa” trong tuổi thiếu niên:
– Bộ não của con vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Nghiên cứu khoa học cho thấy sự phát triển của bộ não vẫn tiếp tục cho đến khoảng 25 tuổi. Do đó, phụ huynh đừng mong đợi thiếu niên hiểu biết đầy đủ về hậu quả của những điều chúng lựa chọn. Người ta nghiên cứu thấy rằng ở lứa tuổi cấp 2 và cấp 3, bộ phận của não đảm nhiệm chức năng đưa ra quyết định là bộ phận bị điều khiển bởi động cơ, cảm xúc và bạn bè. Còn những phần não giúp trẻ có phán đoán chính xác, nhận thức sâu sắc, kiểm soát sự bốc đồng là những phần phát triển sau cùng (sau tuổi thiếu niên). Hiểu được điều này có thể không cất bỏ được xung đột giữa cha mẹ và con cái tuổi thiếu niên, nhưng có thể giúp phụ huynh nhận biết nguyên nhân có thể có khiến con tuổi thiếu niên nổi loạn, để rồi có thể bỏ qua những thiếu sót của con, cảm thông cho con và yêu thương con hơn bởi biết rằng chúng vẫn còn đang phát triển, đang trên con đường hoàn thiện bản thân.
– Nhớ lại tuổi thiếu niên của mình. Thành thật mà nói, nếu nhìn lại tuổi thiếu niên của mình, chúng ta cũng sẽ thấy hình ảnh mình ngày xưa trong con cái, có chăng là mức độ “nổi loạn” có thể ít hơn hoặc không dám thể hiện ra ngoài (mà chỉ là nổi loạn trong tư tưởng). Nhớ lại ngày xưa của mình để phần nào hiểu được nguyên nhân khiến con nổi loạn và bày tỏ lòng thương xót với con nhiều hơn. Có như vậy, chúng ta sẽ không cảm thấy con “khó thương” nữa và sẽ bớt thất vọng về con.
– Lắng nghe con. Con cái ở tuổi thiếu niên khao khát được tự do, tự lập nhưng thật ra chúng vẫn cần sự hướng dẫn từ người lớn. Đây là một thách thức lớn cho các bậc phụ huynh. Làm sao có thể cho con sự tự do cần thiết, nhưng vẫn có thể “giám sát” để hướng dẫn con? Hãy trò chuyện cởi mở với con, lắng nghe ý kiến của con để không áp đặt ý của mình lên con. Hãy nói với con cách nhẹ nhàng những điều con làm cho mình bực mình hay không hài lòng để cả hai cùng tìm cách khắc phục, thay vì la mắng quát nạt con và đứa trẻ không có cơ hội giải thích.
– Sẵn sàng tha thứ. Câu chuyện “Người Con Trai Hoang Đàng” trong Lu-ca 15:11-32 cho thấy con cái nổi loạn là điều có thật. Người con út trong câu chuyện muốn bỏ nhà đi. Đó là quyết định của cậu ấy và người cha không thể làm gì để thay đổi quyết định của con. Dù đau đớn, người cha cũng chỉ biết chờ đợi. Thế nhưng khi đứa con thất bại quay về, người cha đã làm một điều bất ngờ, đó là chạy đến ôm chầm lấy con. Một thái độ sẵn sàng tha thứ khi con ăn năn. Chúng ta cũng cần bày tỏ lòng nhân từ và sẵn sàng tha thứ cho con như Chúa đối với chúng ta. Khi tha thứ, chúng ta sẽ cất bỏ được sự tức giận và tổn thương khi con nổi loạn.
– Con cái luôn có những lựa chọn riêng. Là cha mẹ, chúng ta luôn cảm thấy mình phải chịu trách nhiệm trước mỗi lựa chọn của con. Nhưng Kinh Thánh dạy rằng trách nhiệm của chúng ta là vâng lời Chúa nói ra lẽ thật và nuôi dạy con bằng lẽ thật (Phục truyền 11:18-21). Chúng ta hoàn toàn không thể điều khiển mọi lựa chọn của con. Chúng ta cần để cho chúng học cách chịu trách nhiệm về những quyết định của mình. Có thể sẽ có những hậu quả đau đớn xảy đến với chúng nó, nhưng chúng ta tin rằng Chúa biết hết mọi điều, kể cả sự nổi loạn của chúng.
Chị thân mến, hy vọng vài dòng ngắn ngủi này sẽ phần nào giúp chị hiểu con hơn và giải tỏa nỗi lo lắng của chị. Đừng xem những hành vi “khó ưa” của con là muốn chống lại chị, mà chỉ là những biểu hiện của một đứa con đang trong tuổi “nổi loạn”. Hãy kiên nhẫn hơn với con, nghĩ ra những cách có thể kết nối với con, cầu nguyện nhiều hơn cho con và cho cả chính mình chị nhé. Hãy giúp con gần gũi với Lời Chúa, với Hội Thánh, và với ban thiếu niên để con được hướng dẫn, được gây dựng, và được lớn lên cách lành mạnh. Chị cũng có thể kết nối với những phụ huynh khác trong Hội Thánh có con tuổi thiếu niên để chia sẻ kinh nghiệm và nâng đỡ nhau. Chúc chị và con sẽ hiểu nhau hơn khi cùng nhau đi qua giai đoạn khó khăn này.
Thân mến.
Quý tín hữu có thắc mắc hay vấn đề cần chia sẻ với GÓC TÂM VẤN, vui lòng làm theo 1 trong 2 cách sau:
Bấm vào link này để ghi nội dung muốn chia sẻ https://forms.gle/UbSbMHVAAqLSWtfN9
Gửi vào địa chỉ email: tamvan@httlsaigon.org