Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Khi bạn cảm thấy mình thất bại trong việc dạy con

Lời Kinh Thánh chép: “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo, dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó.” Lời Chúa dạy thật rõ ràng, đó là cha mẹ phải có trách nhiệm dạy dỗ con cái. Cha mẹ nào cũng yêu thương con và muốn cho con nên người. Nhưng vì nhiều lý do, các bậc phụ huynh có những cách dạy dỗ và kỷ luật con cái khác nhau, dẫn đến những kết quả khác nhau.

Khi con cái nổi loạn, không vâng lời hay trở nên hư hỏng, nhiều bậc phụ huynh Cơ Đốc cảm thấy mình là những người cha người mẹ thất bại vì đã không làm đúng mạng lệnh Chúa dạy. Có lẽ có những lần chúng ta nhận ra mình đã không hoàn toàn vâng theo những nguyên tắc dạy dỗ con cái trong Kinh Thánh, và giờ đây sống trong nỗi ân hận.

Nhưng thay vì cứ mãi dằn vặt mình, chúng ta có thể đến với Lời Chúa để tìm sự an ủi và giải pháp. Sau đây là những việc bạn nên làm khi cảm thấy mình thất bại trong việc dạy con:

1. Bỏ lại phía sau những ân hận và sự chê trách

Chúng ta có thể sống trong nỗi ân hận vì những lầm lỗi trong quá khứ. Chúng ta có thể cảm thấy hoàn cảnh của mình thật vô vọng. Nghĩ đến những điều chúng ta lẽ ra phải làm hay lẽ ra đã không nên làm sẽ chỉ khiến chúng ta thấy mình thất bại càng thêm. Thay vào đó, chúng ta hãy nhớ đến lời Chúa khẳng định trong Kinh Thánh I Giăng 1:9 “Còn nếu chúng ta xưng tội mình thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác.” Hãy xưng ra với Chúa những sai lầm của mình và tin rằng mọi vi phạm đều được tha bởi huyết của Chúa Giê-xu. Cũng đừng tự dằn vặt mình vì nếu Chúa không định tội chúng ta thì chúng ta cũng không nên tự kết án mình.

2. Cầu xin sự khôn ngoan

Khi vua Đa-vít qua đời, con trai ông là Sa-lô-môn vẫn còn là một thanh niên trẻ. Sa-lô-môn đã cầu xin Chúa chỉ ông cách chăn dắt dân sự Ngài. Dù là một vị vua giàu có và tài ba, nhưng Sa-lô-môn khiêm nhường đến mức ông biết mình cần được giúp đỡ và ông tìm đến đúng nguồn cứu giúp.

Kinh Thánh nói với chúng ta rằng điều chúng ta cần làm là cầu xin sự khôn ngoan, thì Ngài sẽ ban cho (Gia-cơ 1:5). Khi đối diện nan đề, cách đối phó tốt nhất là giữ bình tĩnh chứ đừng vội vàng hành động. Ngoại trừ một số trường hợp đòi hỏi chúng ta phải hành động nhanh, còn dành thời gian xem xét các hướng giải quyết, cầu nguyện, và lắng nghe tiếng phán của Đức Thánh Linh sẽ cho chúng ta cơ sở vững chắc để hành động đúng.

3. Cẩn trọng trong lời nói

Khi con cái lầm đường lạc lối, xa cách Chúa, chúng ta thường hay tự trách mình. Cằn nhằn chì chiết bắt chúng phải sống theo Kinh Thánh cũng không khiến chúng quay trở lại với Chúa. Cha của người con trai hoang đàng đã để cho anh rời khỏi nhà dù ông biết lựa chọn của anh là sai. Cho dù người cha có nói gì với anh, thì anh ta cũng quyết định ra đi. Tuy nhiên, người cha vẫn chờ đợi đứa con hoang đàng của mình quay về và chào đón anh ta cách vui mừng.

Trẻ nhỏ cần cha mẹ đưa ra những giới hạn. Chúng ta không thể để cho chúng tự do làm theo ý mình mà không có một sự hạn chế nào, nhưng chúng ta hãy tìm cách “lái” những ước muốn của chúng theo đường lối Chúa. Chúng ta cần chúng vâng lời và đi đến nhà thờ nhưng chúng ta làm điều đó bằng những biện pháp tích cực. Sự hà khắc sẽ chỉ khiến chúng đi sai lạc mà thôi. Lời Chúa nhắc “Hỡi kẻ làm cha, chớ hề chọc giận con cái mình, e chúng nó ngã lòng chăng” (Cô-lô-se 3:21).

4. Đừng so sánh mình với những phụ huynh khác

Chúng ta có thể so sánh mình với những phụ huynh khác trong nhiều lĩnh vực. Nhưng Lời Chúa nói với chúng ta rằng chúng ta không cần phải sống theo tiêu chuẩn của người khác. Chúng ta chỉ cần đi theo kế hoạch của Chúa cho cuộc đời mình. Ngài ban cho mỗi thành viên trong gia đình những khả năng khác nhau để sử dụng sao cho Ngài được vinh hiển và vương quốc Ngài được phát triển. Khi chúng ta tập chú vào ý muốn của Ngài cho gia đình mình, chúng ta có thể tìm được sự bình an và thỏa lòng, thay vì lo lắng làm sao đạt được “thành tích” như những gia đình khác.

Sứ đồ Phao-lô chỉ tập chú vào sứ mạng Chúa giao cho ông. Ông cố gắng hết sức để Chúa vui lòng chứ không cố gắng làm hài lòng con người: “Còn bây giờ, tôi muốn được lòng loài người hay Đức Chúa Trời? Có phải tôi đang cố gắng làm đẹp lòng loài người không? Nếu tôi vẫn cố làm đẹp lòng loài người thì tôi chẳng phải là đầy tớ của Đấng Christ” (Ga-la-ti 1:10, KTHĐ). Nguyên tắc này cũng áp dụng cho mọi Cơ Đốc nhân trong hành trình theo Chúa.

5. Phó thác con trong tay Chúa

Dâng con mình cho Chúa trong lời cầu nguyện là một trong những món quà tốt đẹp nhất chúng ta có thể tặng cho con. Ngài biết rõ chúng cần gì hơn chúng ta biết. Hãy cảm ơn Chúa về sự sống Ngài ban cho chúng. Lo lắng, sợ hãi, bất an không giúp ích gì cho chúng ta lẫn cho con cái mình cả. Lời Chúa dạy: “Chớ lo phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu xin của mình cho Đức Chúa Trời. Sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ giữ gìn lòng và ý tưởng anh em trong Đức Chúa Giê-xu Christ” (Phi-líp 4:6,7).

6. Thay đổi kỳ vọng về con

Đôi khi chúng ta có thể để cho thành tích của những đứa trẻ khác quyết định điều chúng ta kỳ vọng nơi con cái mình. Rồi chúng ta cảm thấy mình là phụ huynh thất bại chỉ vì con cái mình không được như những đứa trẻ khác. Chúng ta cần xem xét lại những kỳ vọng đó, liệu chúng có phù hợp với Thánh Kinh không hay theo tiêu chuẩn thế gian.

Chúng ta cũng nên tránh sự thiên vị. Nhiều nhân vật trong Kinh Thánh thiên vị đứa con này hơn đứa con khác và gây xung đột, mâu thuẫn trong gia đình. Ví dụ như gia đình Áp-ra-ham khi Y-sác được ưu ái hơn Ích-ma-ên, hay gia đình Y-sác khi Rê-bê-ca thương Gia-cốp hơn Ê-sau. Rồi đến Gia-cốp cũng theo gương của cha mẹ mà đối xử thiên vị với các con mình. Hãy tránh sai lầm này bằng cách đối xử với các con theo cá tính của chúng.

* * * **

Mặc dù trên đất này chúng ta là những bậc phụ huynh, nhưng chúng ta cũng là những con trai và con gái thuộc linh của Cha trên trời. Ngài muốn chúng ta nhìn mình như cách Ngài nhìn chúng ta, chứ không nhìn theo lăng kính của thế gian. Những chuẩn mực văn hóa và xã hội xung quanh chúng ta và những lời khuyên của người khác có thể làm chúng ta bối rối. Nguồn duy nhất cung cấp sự chỉ dẫn đúng đắn là từ Đức Chúa Trời.

Cuối cùng, chúng ta cần nhớ rằng khi con cái vấp ngã, chúng ta không đẩy chúng ra khỏi nhà. Chúng ta yêu thương và sửa phạt chúng cách tốt nhất mà chúng ta biết. Cũng vậy, thất bại của chúng ta không đẩy chúng ta ra khỏi bầy chiên của Cha trên trời. Cánh tay Ngài vươn ra ôm lấy chúng ta bằng tình yêu và sự tha thứ. Ngài không muốn chúng ta nghĩ đến sự thất bại. Ngài muốn chúng ta nhìn mình qua giá Chúa Giê-xu phải trả trên thập tự giá để biết rằng không có điều chi có thể phân rẽ chúng ta khỏi tình yêu của Đấng Christ (Rô 8:38-39).

Dựa theo crosswalk.com

*Quý tín hữu có thắc mắc hay vấn đề cần chia sẻ với GÓC TÂM VẤN, vui lòng bấm vào link này để ghi nội dung muốn chia sẻ https://forms.gle/UbSbMHVAAqLSWtfN9

*Quý tín hữu nào chưa thỏa lòng với câu trả lời hoặc muốn trao đổi thêm với Góc Tâm vấn, xin để lại địa chỉ email hoặc số điện thoại để Góc Tâm vấn có thể gửi phản hồi cho quý vị. Xin cảm ơn.

Là Hội Thánh Tin Lành đầu tiên tại Sài Gòn, trực thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, được thành lập năm 1920.
Sứ mệnh Hội Thánh:
“TẤT CẢ VÌ NGƯỜI CHƯA ĐƯỢC CỨU”

© 2024. Bản quyền thuộc về Hội Thánh Tin Lành Sài Gòn