Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Trục lợi từ tôn giáo

Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 21:12-13

“Đức Chúa Jêsus vào đền thờ, đuổi hết kẻ bán người mua ở đó; đổ bàn của người đổi bạc, và ghế của người bán bồ câu. Ngài phán cùng họ rằng: Có lời chép: Nhà ta sẽ gọi là nhà cầu nguyện; nhưng các ngươi thì làm cho nhà ấy thành ra ổ trộm cướp.” (BTT)

Sau khi Đấng Christ vào thành Giê-ru-sa-lem cách khải hoàn, Ngài đi đến đền thờ và thấy khu chợ đầy gian hàng bán thú vật và chim bồ câu, cùng những người đổi tiền. Tại sao họ buôn bán trong đền thờ? Những người cai quản đền thờ đã ra lệnh rằng mọi người không được sử dụng tiền đúc thông thường để dâng lên Chúa hoặc để mua đồ tế lễ – bởi vì tiền của người La Mã là “ô uế”. Vì vậy, những người thờ phượng phải mua loại tiền dùng trong đền thờ từ người đổi tiền, là những người được hưởng khoản hoa hồng lớn. Họ cũng bán bồ câu hoặc cừu (có vẻ như tinh sạch về mặt nghi lễ) để dâng của lễ (với giá cao).

Đức Chúa Jêsus Christ đã đến thế gian để đưa mọi người trở lại sự thờ phượng Đức Chúa Trời chân thật. Ngài nhận thấy rằng nơi thờ phượng đã trở thành nơi họp chợ, nơi những người mua bán cùng nhau âm mưu lừa gạt người thờ phượng về tiền bạc và không tôn kính Đức Chúa Trời. Chúa Jêsus biết điều Ngài sẽ thấy và điều Ngài phải làm. Ngài phải vạch trần lòng tham núp dưới lớp áo tôn giáo và chứng tỏ rằng những người buôn bán đang thờ phượng một thần giả mạo, là tiền tài (Ma-thi-ơ 6:24).

Chúa trích dẫn Ê-sai 56:7 và Giê-rê-mi 7:11 khi Ngài lật đổ các bàn đổi tiền, hất đổ các khoản thu nhập bất chính của họ xuống sàn nhà; sau đó giải thoát những con vật còn sống và khiến những người buôn bán sợ hãi chạy ra ngoài. Ngài đã nói sự thật về các hoạt động của họ và không ai phủ nhận điều đó. Chúa Jêsus nói sự thật về nhà của Đức Chúa Trời đã được biệt riêng ra thánh để tôn vinh Đức Chúa Trời, chứ không phải là nơi trục lợi của con người. Mặc dù họ nghĩ rằng của tế lễ là để cho họ làm giàu, nhưng trên thập tự giá Chúa Jêsus cho thấy rằng của lễ đích thực là sẵn sàng từ bỏ tất cả (Ma-thi-ơ 16:24). Việc Chúa Jêsus bộc lộ sự phẫn nộ mạnh mẽ là một chút tiền vị của cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời giáng trên tất cả những ai tìm kiếm sự cao trọng cho riêng mình mà đánh mất sự vinh hiển của Ngài (Cô-lô-se 3:5-6).

Cơ Đốc nhân tham lam là điều ô nhục đối với Phúc Âm (bắt nguồn từ ân điển của sự ban cho). Sự tham lam bao gồm từ hành vi trộm cắp tiền, lừa đảo khi yêu cầu quyên góp từ thiện, đến buôn bán và định giá không công bằng. Những người kiếm tiền từ việc tham gia vào các công việc thuộc linh hẳn là không chấp nhận suy nghĩ này; nhưng Chúa Jêsus cũng không được những người buôn bán trong đền thờ đón nhận. Các câu hỏi then chốt dành cho mọi công tác phục vụ là “công tác này tôn vinh Đức Chúa Trời, dâng hiến cho Đức Chúa Trời và phục vụ các mục đích của Đức Chúa Trời như thế nào?” Đức Chúa Trời đáp ứng nhu cầu của tôi tớ Ngài, nhưng khi con người phục vụ Ngài vì những gì họ có thể nhận được, thì họ đã sai. Đây là phân đoạn nghiêm túc đòi hỏi từng cá nhân phải suy xét cẩn thận, dù trước đó bạn đã biện minh cách tài tình cho các hoạt động tài chính của mình như thế nào.

Lạy Chúa là Đấng nhân từ và ban cho! Cảm ơn Ngài đã ban Chúa Jêsus vì tội lỗi của con cùng mọi thứ mà con cần. Xin tha thứ khi con đã tôn thờ các vị thần của thế giới này, đặc biệt là tiền bạc. Xin ban cho con một tâm trí mới mẻ để hiểu mối quan hệ sai trật với tiền bạc có thể phá hủy mối liên hệ của con với Chúa như thế nào. Xin Chúa Thánh Linh phán với con để con có thể suy ngẫm cách trung thực về thái độ của mình đối với việc cho và nhận. Trong danh Chúa Jêsus. Amen!

Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work

Là Hội Thánh Tin Lành đầu tiên tại Sài Gòn, trực thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, được thành lập năm 1920.
Sứ mệnh Hội Thánh:
“TẤT CẢ VÌ NGƯỜI CHƯA ĐƯỢC CỨU”

© 2024. Bản quyền thuộc về Hội Thánh Tin Lành Sài Gòn