Kinh Thánh: Mác 14:12
“Ngày thứ nhứt về lễ ăn bánh không men, là ngày giết chiên con làm lễ Vượt qua, các môn đồ thưa cùng Đức Chúa Jêsus rằng: Thầy muốn chúng tôi đi dọn cho thầy ăn lễ Vượt qua tại đâu?” (BTT)
Một bữa ăn đặc biệt vẫn được xem là cách để chúng ta đánh dấu sự khởi đầu của một mối quan hệ mới (ví dụ như tiệc cưới) hoặc để chúc mừng một ngày kỷ niệm nào đó (như sinh nhật chẳng hạn). Lễ bánh không men là kỳ lễ kéo dài suốt một tuần (từ “kỳ lễ” trong tiếng Anh là holiday, bắt nguồn từ chữ “holy-day”, có nghĩa là “ngày thánh”) để kỷ niệm về sự chu cấp của Đức Chúa Trời cho dân Y-sơ-ra-ên khi họ vượt Biển Đỏ để ra khỏi xứ Ai Cập và chỉ ăn bánh không men được chế biến cách đặc biệt, là một loại bánh đặc ruột không có men nên sẽ bảo quản được lâu trong suốt hành trình dài dưới thời tiết nóng (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:17-20). Trước khi dân sự băng qua Biển Đỏ, Đức Chúa Trời đã truyền dạy họ phải giữ lễ hằng năm để tưởng nhớ sự giải cứu của Chúa bằng cách ăn bánh không men trong một tuần (Xuất Ê-díp-tô Ký 13:3-10).
Kỳ lễ này được mở đầu bằng Lễ Vượt Qua diễn ra trong một ngày để tưởng nhớ đêm thần chết hành hại mọi con đầu lòng trong xứ Ai Cập, nhưng “vượt qua” những ngôi nhà được đánh dấu bởi huyết của sinh tế. Ai không giết chiên con thì sẽ chịu sự phán xét của Đức Chúa Trời, còn ai giết chiên con thì được cứu. Hãy đọc toàn bộ câu chuyện trong Xuất Ê-díp-tô Ký 12:1-42. Đó là câu chuyện về sự vâng phục của dân sự khi tin chắc rằng huyết của sinh tế chiên con sẽ giải cứu những ai tin. Chúa Jêsus đến để dâng mình làm của lễ tại kỳ Lễ Vượt Qua chính là để những ai tin Ngài, chào đón và tiếp nhận Ngài (Giăng 1:12) được cứu khỏi tội lỗi và được ở với Ngài đời đời (Rô-ma 10:8-11).
Thời điểm diễn ra các sự kiện trong phân đoạn Kinh Thánh này, tức ngày thứ Năm trong tuần lễ mà ngày nay chúng ta gọi là Tuần Thánh, không phải là sự ngẫu nhiên. Bữa tiệc trong Lễ Vượt Qua không chỉ để tưởng nhớ, mà còn là lời tiên tri báo trước về sự chết của Đấng Christ – Chiên Con không tì vết của Lễ Vượt Qua (I Phi-e-rơ 1:18-20). Các môn đồ đã đúng khi cho rằng Chúa Jêsus vẫn muốn dự Lễ Vượt Qua bất chấp mọi âm mưu chống đối Ngài. Lu-ca 22:14-15 cho thấy rõ tâm tình của Ngài đối với bữa tiệc này. Các môn đồ nghĩ đây là truyền thống cần ghi nhớ từ 1500 năm trước, nhưng thật ra bữa tiệc này là để chuẩn bị họ cho sự ứng nghiệm của những lời tiên tri sắp xảy ra vào ngày hôm sau, là ngày cứu rỗi cho tất cả những ai tin (I Cô-rinh-tô 1:18).
Ngày nay, khi có rất nhiều tín ngưỡng đang tranh nhau để được công nhận, thì lại rất ít niềm tin nào dám khẳng định Đức Chúa Trời là ai hoặc phải làm sao để được Ngài chấp nhận. Vì vậy, chúng ta thật sự được khích lệ khi biết rằng Chúa Jêsus không chỉ là khuôn mẫu về hành vi và đạo đức, mà còn là sinh tế chuộc tội cho chúng ta và do đó Ngài là Đấng Cứu Thế của tất cả những ai đặt lòng tin nơi Ngài (Giăng 1:12; 3:15). Chúng ta làm vui lòng Đức Chúa Trời qua việc bằng lòng tiếp nhận Chiên Con của Ngài làm Đấng cứu chuộc mình hầu cho cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời không giáng xuống trên chúng ta. Khi có sự nghi ngờ thì chính thập tự giá là bằng chứng khách quan duy nhất về lòng thương xót của Đức Chúa Trời dành cho tội nhân, và sự phục sinh của Chúa cũng là bằng chứng về ân điển của Ngài khi ban cho chúng ta sự sống mới. Nếu không có sự bảo đảm đó, đức tin của chúng ta sẽ yếu mỏn; ngược lại, chúng ta sẽ có thể mạnh mẽ để chia sẻ với người khác.
Lạy Cha thiên thượng! Cảm ơn Chúa đã ban Chúa Jêsus làm Chiên Con Lễ Vượt Qua cho cuộc đời con, hầu cho con có thể mạnh dạn đến gần Chúa mặc dù con chỉ là một tội nhân. Xin Chúa tha thứ cho con vì có những lúc con chỉ tin vào những kinh nghiệm hay những cảm xúc của mình thay vì đặt đức tin vào bằng chứng xác thực nhất đó là thập tự giá và ngôi mộ trống. Xin Chúa giúp cho đức tin của con mỗi ngày được tăng trưởng càng hơn để rồi con không ngần ngại chia sẻ với bạn bè và đồng nghiệp về Chúa Jêsus là Đấng Cứu Thế của con, hầu cho qua đó họ cũng có thể tìm thấy sự cứu rỗi bằng cách tin nhận vào dòng huyết báu của Ngài. Trong danh Chúa Jêsus. Amen.
Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work