Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Phớt lờ Lẽ thật

Kinh Thánh: Mác 15:3-5

“Các thầy tế lễ cả cáo Ngài nhiều điều. Phi-lát lại tra gạn Ngài, mà rằng: Ngươi chẳng đối đáp chi hết sao? Hãy coi họ cáo tội ngươi biết bao nhiêu! Nhưng Đức Chúa Jêsus chẳng trả lời chi nữa, nên nỗi Phi-lát lấy làm lạ.” (BTT)

“Để trứng quá nhiều khi làm bánh” là một thành ngữ tiếng Anh có nghĩa là “hỏng việc khi vượt quyền hạn”. Đó là vấn đề của các luật sư tôn giáo. Một khi lời buộc tội Chúa Jêsus đến tai của Phi-lát (lời buộc tội phản quốc không được bác bỏ dễ dàng) thì họ đã trút được nọc độc trong lòng mình: nhiều lời nói dối, sự thật nửa vời và bị bóp méo. Ngày nay, các luật sư bào chữa dễ dàng bác bỏ những điều gọi là bằng chứng. Lời tố cáo đó không thuyết phục Phi-lát (Lu-ca 23:4). Quan sát cách khách quan, chúng ta sẽ thấy rằng những kẻ tố cáo Chúa Jêsus đang dùng mọi thủ đoạn bằng lời nói mà họ có thể nghĩ ra để đánh bại Ngài. Bản chất của việc này là sự căm ghét Chúa Jêsus.

Mác đã ký thuật lại “nhiều điều” để làm rõ rằng Phi-lát đã nhìn thấy âm mưu của họ. Thách thức của quan tổng đốc Phi-lát là đối mặt với những kẻ dối trá sùng đạo và bỏ qua vụ án. Phi-lát có can đảm làm điều đó không? Ông ta không thấy Chúa Jêsus mắc một tội nào để bị kết án tử hình (Lu-ca 23:14-15), vợ của quan tổng đốc nằm chiêm bao về sự bất công đối với Chúa Jêsus và cầu xin chồng mình: “Đừng đụng đến người công chính ấy” (Ma-thi-ơ 27:19).

Cuối cùng, mặc dù Phi-lát đã rửa tay trước công chúng để nói rằng ông không liên quan đến việc kết án Chúa Jêsus (Ma-thi-ơ 27:24), nhưng ông phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Ông mất can đảm, công lý thất bại; ông phớt lờ bằng chứng cũng như lời cầu khẩn của vợ mình, mất lương tâm… tất cả chỉ vì ông ta không muốn làm buồn giới lãnh đạo tôn giáo, những người có thể gây ra cuộc bạo động và khiến Phi-lát mất chức hoặc mất đầu. Ông ta là một kẻ hèn nhát thối nát.

Ma-thi-ơ 12:35 cho chúng ta biết rằng điều ác không chỉ tuôn ra từ miệng nhưng từ trong tấm lòng đã chất chứa sự ác. Và giới lãnh đạo tôn giáo đã ghét Chúa Jêsus như thế nào! Ngài là mối đe doạ lớn cho họ – nhưng không phải vậy. Lời nói của Chúa có thẩm quyền, không giống như lời của họ (Mác 1:22). Vì vậy, những lời buộc tội của họ xuất phát bởi lòng đố kỵ, ghen ghét, chúng ta sẽ tìm thấy trong Mác 15:10. Chẳng có lời nào trong những lời tố cáo nầy được coi là nghiêm trọng, và chắc chắn Chúa Jêsus không cần đáp trả âm mưu đồi bại đó. Nhiều khi lời nói là cần thiết, nhưng im lặng là vàng. Và Chúa Jêsus đã chọn sự im lặng để làm mất uy tín những lời buộc tội không nhất quán hòng chống lại Ngài.

Chúa Jêsus không bao giờ hoảng sợ khi bảo vệ chính Ngài. Chính sự thật sẽ bảo vệ sự thật. Mặc dù Phi-lát chưa bao giờ thấy một tù nhân nào phản ứng như vậy, nhưng đó là một gương tốt. Sự minh oan hiếm khi xuất phát từ những lập luận mạnh mẽ mà từ những ảnh hưởng lâu dài của sự thật. Đây là nguyên tắc quan trọng sẽ khiến chúng ta không băn khoăn lo lắng. Thi-thiên 37:1-7 đưa ra lời khuyên tương tự – đó là liều thuốc tuyệt vời cho tấm lòng bất an. Nếu bạn đang bị buộc tội hoặc vu khống một cách bất công, hãy trao gánh nặng của sự bất công trước Chúa để Ngài xử lý. Chúa Jêsus đã làm như vậy.

Lạy Chúa, cảm ơn vì Ngài đã biết sự thật về tất cả mọi thứ. Xin tha thứ cho con vì đã không tin rằng Ngài sẽ minh oan cho con khi con bị đối xử bất công. Xin giúp con được yên nghỉ trong chính Ngài. Khi cần giải quyết những vấn đề nghiêm trọng, xin cho con chỉ làm theo mạng lệnh của Ngài và hoàn toàn tin cậy vào Ngài, chứ không hành xử trong cơn tức giận hay kiêu ngạo. Trong danh Chúa Jêsus. Amen!

Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work

Là Hội Thánh Tin Lành đầu tiên tại Sài Gòn, trực thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, được thành lập năm 1920.
Sứ mệnh Hội Thánh:
“TẤT CẢ VÌ NGƯỜI CHƯA ĐƯỢC CỨU”

© 2024. Bản quyền thuộc về Hội Thánh Tin Lành Sài Gòn