Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Kinh Thánh dạy gì về việc làm?

HỏiEm thấy ba mẹ em làm việc suốt ngày đêm đến tận nửa khuya. Em muốn hỏi: Kinh Thánh dạy gì về việc làm? Có phần thưởng hay ích lợi ngoại trừ lương thực, áo quần và tiền bạc không?

Đáp: Một số người yêu thích công việc của họ đến nỗi họ không mấy quan tâm đến bất cứ điều gì khác. Những người khác cảm thấy công việc quá khó khăn và nhàm chán đến mức họ ước mình không phải làm việc. Vẫn còn những người khác, đang phải chịu cảnh thất nghiệp khốn khổ, sẽ vui mừng khi có bất kỳ loại công việc nào để làm, dù cực nhọc đến đâu.

Chúng ta phải làm việc để làm gì? Để sản xuất thực phẩm hoặc kiếm tiền để mua thực phẩm, quần áo và tất cả những thứ khác mà chúng ta cần và tận hưởng. Đây là một câu trả lời hay và nhanh chóng, và Kinh Thánh làm rõ điều nầy (tham chiếu 2 Tê-sa-lô-ni-ca 3:10-12). Đức Chúa Trời, Đấng Tạo hóa đã tạo ra chúng ta có cái dạ dày luôn đói và đòi ăn. Ngài đã cung cấp thức ăn (mặc dù ở nhiều nơi trên thế giới thức ăn được phân phối còn kém) nhưng đồng thời Ngài cũng sắp đặt mọi thứ để chúng ta phải làm việc mới có được.

Kinh Thánh dạy điều gì về việc làm, sự lao động chân tay hoặc trí óc? Ngay từ ban đầu, Đức Chúa Trời đã thiết lập việc làm: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời đem con người vào trong vườn Ê-đen để canh tác và gìn giữ vườn” (Sáng thế Ký 2:15-TTHĐ). Từ trong ánh sáng của Lời Kinh Thánh, lao động là một phần của đời sống con người trước khi tội lỗi xuất hiện. Từ sau khi tổ phụ loài người sa ngã, phạm tội với Chúa, lao động trở nên như sự khó nhọc vô vọng. Đời sống hằng ngày trở thành một cuộc chiến đối với người nam và người nữ ở ngoài vườn khi họ lao khổ để có đồ ăn và nuôi gia đình họ (tham chiếu Sáng Thế Ký 3:17-19). Con người cần làm việc cũng như có công việc vì sự phát triển của chính mình. Đức Chúa Trời đã tạo dựng con người để làm việc.

Có nhiều điều khi nói về công việc hằng ngày của chúng ta, nhưng trên hết, điều quan trọng nhất là kiểm soát công việc của chúng ta theo các nguyên tắc đạo đức và thuộc linh của vương quốc Đức Chúa Trời, và thứ hai là luôn nhớ rằng công việc hằng ngày của chúng ta mang ý nghĩa đời đời và tiềm năng tốt hay xấu tuỳ thuộc vào thái độ của chúng ta, bởi vì công việc hằng ngày có thể:

1. Mang đến cho chúng ta động lực làm việc mạnh mẽ và chân chính.

2. Dạy chúng ta cách đạt được lợi ích tối đa từ công việc của mình.

3. Cảnh báo chúng ta đừng để công việc hằng ngày lấn át thì giờ dành cho Chúa, là điều đem lại giá trị đích thực nhất, cao cả nhất và lâu dài nhất của cuộc đời.

Có phần thưởng và lợi ích nào khác mà chúng ta nhận được từ công việc ngoài thực phẩm, quần áo và tiền bạc không?

Một số câu trả lời có thể là:

(a) Lao động chân tay rất tốt cho cơ thể. Thiếu tập thể dục làm tim và cơ bắp suy yếu.

(b) Không có gì để làm thì thật nhàm chán và không lành mạnh về mặt tâm lý.

(c) Bản thân công việc có thể thú vị, nhưng hoàn toàn khác với số tiền kiếm được từ công việc đó.

(d) Cảm thấy thỏa mãn về mặt tâm lý khi người khác rất cần mình. Chẳng hạn, một người mẹ chăm sóc con cái thật vất vả, nhưng bà thích cảm giác rằng con cái cần mình và sẵn sàng làm việc chăm chỉ vì các con, mặc dù bà không được trả công cho công việc của mình.

Thật ra, Đức Chúa Trời mời gọi chúng ta cân nhắc suy nghĩ đến việc nghỉ ngơi thường xuyên. Những khoảng thời gian nghỉ ngơi này nhằm phục hồi và cũng là cơ hội dành thời gian để suy xét mối quan hệ của chúng ta với Đấng Christ (tham chiếu Giăng 15:4; Hê-bơ-rơ 4:10).

Động lực chính và phần thưởng chính cho công việc:

Từ ánh sáng Lời Chúa Giê-xu dạy trong Ma-thi-ơ 6:31-33, một trong những phần thưởng chính mà chúng ta nên tìm kiếm từ công việc hằng ngày của mình, cho dù chúng ta có được trả tiền hay không, đó là công việc xây dựng tính cách. Kinh Thánh không nói rằng làm việc để kiếm sống là sai. Chúng ta cần thức ăn và quần áo, và làm việc là cách thông thường để có được những nhu cầu này. Nhưng những điều này không phải là lợi ích chính mà chúng ta nhận được từ công việc. Những lợi ích nầy cũng không phải là động lực chính để chúng ta đi làm. Đấng Christ phán rằng: “trước hết, hãy tìm kiếm vương quốc Đức Chúa Trời và sự công chính của Ngài” (Ma-thi-ơ 6:33a-TTHĐ). Nói cách khác, mục tiêu đầu tiên của chúng ta là thực hiện vương quyền của Đức Chúa Trời trong mọi việc chúng ta làm, để khi liên tục thuận phục quyền cai trị của Ngài, chúng ta mới có thể sử dụng khả năng phát triển tính cách – tính cách tin kính Chúa của chúng ta.

Nói tóm lại, chăm chỉ, siêng năng làm việc được khuyến khích còn sự lười biếng bị lên án (tham chiếu Châm ngôn 18:9; Truyền đạo 9:10). Tuy nhiên, làm việc siêng năng, chăm chỉ phải được cân bằng bởi những ưu tiên chính khác của cuộc sống. Đó là mối quan hệ với Đấng Christ, người phối ngẫu và gia đình.

Là Hội Thánh Tin Lành đầu tiên tại Sài Gòn, trực thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, được thành lập năm 1920.
Sứ mệnh Hội Thánh:
“TẤT CẢ VÌ NGƯỜI CHƯA ĐƯỢC CỨU”

© 2024. Bản quyền thuộc về Hội Thánh Tin Lành Sài Gòn