Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Ham mến sự ở trên trời là gì?

Hỏi: Em (tân tín hữu) muốn hiểu thêm ý nghĩa của cụm từ trong Cô-lô-se 3:3, “Hãy ham mến các sự ở trên trời” là gì?

Đáp: Người đời thường nói rằng những người Tin Lành ăn cơm ở trên đất mà nói chuyện ở trên trời. Đúng vậy, những người tin theo Chúa Jêsus đang sống trong thế gian, nhưng không thuộc về thế gian vì họ ham mến các sự ở trên trời.” Vậy, ham mến các sự ở trên trời có nghĩa được giải thích như sau:

1- Đâm rễ trong đất ở trên trời

Một người thuộc về Đấng Christ trong ý nghĩa là không sống ở đây trên đất, nhưng ở đó trên trời: “vì anh em đã chết, sự sống của mình đã giấu với Đấng Christ trong Đức Chúa Trời” (Cô-lô-se 3:3). Đời sống trong Đấng Christ được liên kết chặt chẽ với Ngài đời đời một cách kỳ diệu. Vì vậy, đời sống tín hữu được biến đổi ở trên đất theo tiêu chuẩn của thiên đàng. Đó là những chuẩn mực mà từ đó sứ đồ Phao-lô vẽ nên bức chân dung của người tìm kiếm các sự ở trên trời.

– Làm chết đi tất cả những điều không tôn cao Chúa và hạ thấp người khác (Cô-lô-se 3:5-9).

– Mặc lấy lòng thương xót, nhân từ, khiêm nhường, mềm mại, và nhịn nhục (Cô-lô-se 3:12).

– Nói ngôn từ của sự tha thứ (Cô-lô-se 3:13).

– Bước đi dưới sự cai trị của sự bình an thánh trong tấm lòng (Cô-lô-se 3:15).

– Nói và hát hiệp với lòng biết ơn và ân điển (Cô-lô-se 3:15-17; 4:16).

– Tìm kiếm bày tỏ sự vinh hiển của Đức Chúa Jêsus Christ trong mọi mối quan hệ, mọi lời nói và hành động (Cô-lô-se 3:17-4:1).

Những chuẩn mực trên giống như những cây đâm rễ sâu vào đất ở trên trời. Mặc dù chúng lớn lên trong cùng cánh đồng ở trên đất và cùng những cơn bão tố quật vào thân cây của chúng, nhưng mỗi ngày chúng nhận được nguồn dinh dưỡng từ thế giới khác và sanh bông trái.

2- Thực hành thói quen thuộc về trời

Làm sao người tín hữu lớn lên trong tâm thế thuộc về trời? Thật ra, những thánh nhân mỗi ngày ở trong tâm thế như là thiên đàng ở trong lòng họ trước khi họ vào thiên đàng. Vì vậy, thói quen của người chú tâm những điều ở trên trời, đó là chuyên tâm đọc Kinh Thánh và cầu nguyện, thường xuyên thờ phượng Chúa chung và thông công. Song song với những thói quen nầy, tín hữu cũng đặt mình vào việc chú tâm những điều thuộc về trời.

3- Bắt đầu một ngày ở thiên đàng

Robert Murray McCheyne, mục sư Tin Lành đầy khả kính của Hội Thánh Tô-cách-lan ở thế kỷ 19, một người chú tâm những điều ở trên trời đã có lần mô tả những giờ tĩnh nguyện buổi sáng như là “tập cho đôi mắt quen hướng thượng suốt ngày.” Vì biết rằng tư tưởng của mình sẽ không hướng đến thiên đàng vào ban chiều hay ban tối nếu không chú tâm vào đó trước tiên, nên McCheyne bắt đầu ngày mới hướng thượng. Cơ Đốc nhân chúng ta có thể học được bài học tương tự từ Bài Cầu Nguyện Chung. Khi dạy chúng ta cầu nguyện, “xin cho chúng con hôm nay thức ăn đủ ngày” (Ma-thi-ơ 6:11), phải chăng Chúa Jêsus dạy rằng chúng ta bắt đầu một ngày bình thường bằng những đầu gối? Thật vậy, trước khi xin thức ăn mỗi ngày, điều khiến chúng ta chú tâm những điều ở trên trời: “Lạy Cha chúng con ở trên trời; Danh Cha được thánh; Nước Cha được đến; Ý Cha được nên, ở đất như trời!” (Ma-thi-ơ 6:9-10).

Nếu tín nhân lấy Bài Cầu Nguyện Chung làm khuôn mẫu, thì lúc đó thiên đàng sẽ làm đầy tư tưởng của chúng ta mỗi sáng. Và rồi khi bước vào ngày mới, chúng ta đem theo những điều thuộc thiên đàng.

4- Chú tâm bằng sự suy gẫm

Mệnh lệnh “Hãy chú tâm vào những điều ở trên trời” (Cô-lô-se 3:3-TTHĐ) trở thành thói quen mà các trước giả Thánh Kinh gọi là suy gẫm (Giô-suê 1:8; Thi thiên 1:1-2;119:97). Nếu đọc Kinh Thánh tập trung vào những phân đoạn và những chương, thì suy gẫm tập trung vào những câu và những từ. Nếu khi đọc Kinh Thánh trong sự suy gẫm, thì chúng ta đang mở những cánh cửa và khám phá những lẽ thật quý báu của sự mặc khải của Đức Chúa Trời.

5- Trân trọng gìn giữ tấm lòng của thiên đàng

Thiên đàng luôn và sẽ là thế giới của sự vinh hiển (Cô-lô-se 3:4). Khi Đức Chúa Trời làm mọi vật nên mới, thì những hẻm núi và dãy núi, các dãy ngân hà cũng như đồng cỏ của thế gian sa ngã nầy không còn than thở và quặn thắt nữa (Rô-ma 8:21). Bản chất hay hư nát sẽ mặc lấy bản chất không hay hư nát (1 Cô-rinh-tô 15:54). Cơ Đốc nhân đang có phần trong sự hiệp nhất trọn vẹn với Đức Chúa Trời Ba Ngôi (Giăng 17:22-24). Tuy nhiên, trung tâm của mọi sự vinh hiển đó là chính Đấng Christ: “Khi nào Đấng Christ, là sự sống của anh em, sẽ hiện ra, bấy giờ anh em cũng sẽ hiện ra với Ngài trong sự vinh hiển”(Cô-lô-se 3:4). Thật vậy, thiên đàng mà không có Đấng Christ giống như đại dương không có nước, như bầu trời không có không khí, và như ngọn đuốc không có lửa. Đấng Christ là trung tâm điểm của thiên đàng. Điều nầy có nghĩa gì đối với tín nhân khi chú tâm những việc ở trên trời? Tâm trí của chúng ta đầy dẫy thiên đàng khi chúng ta đầy dẫy Đấng Christ.

Nói tóm lại, “Hãy ham mến các sự ở trên trời” là mệnh lệnh và cũng là lời mời ở với Chúa Jêsus càng nhiều càng tốt để chuẩn bị cho ngày chúng ta sẽ với Ngài mãi mãi. Vì vậy, hãy bắt đầu một ngày với Chúa Jêsus, suy gẫm Chúa Jêsus, và suốt ngày ở trong Chúa Jêsus.

Là Hội Thánh Tin Lành đầu tiên tại Sài Gòn, trực thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, được thành lập năm 1920.
Sứ mệnh Hội Thánh:
“TẤT CẢ VÌ NGƯỜI CHƯA ĐƯỢC CỨU”

© 2024. Bản quyền thuộc về Hội Thánh Tin Lành Sài Gòn