Kinh Thánh: Mác 14:6-9
“Nhưng Đức Chúa Jêsus phán rằng: Hãy để mặc người; sao các ngươi làm rầy người mà chi? Người đã làm một việc tốt cho ta. Vì các ngươi hằng có kẻ khó khăn ở cùng mình, khi nào muốn làm phước cho họ cũng được; nhưng các ngươi chẳng có ta ở luôn với đâu. Người đã làm điều mình có thể làm được, đã xức xác ta trước để chôn. Quả thật, ta nói cùng các ngươi, trong khắp cả thế gian, hễ nơi nào Tin lành nầy được giảng ra, việc người đã làm cũng sẽ được nhắc lại để nhớ đến người.” (BTT)
Khi Ma-ri đang bị “tấn công” bởi những người sùng đạo chú trọng vật chất và hay đố kỵ, bao gồm một vài người bạn thân nhất của Chúa Jêsus (Giăng 12:4-5), Chúa Jêsus đã nói lời quyết định! Ma-ri ắt hẳn đã cảm thấy rất nhẹ nhõm. Ngài cũng đưa ra cho bà một lý do để giải thích về tình cảm dạt dào và tự phát của bà, một lý do mà trước đó họ chưa biết. Chúa Jêsus mô tả hành động của bà là đẹp và rất đúng lúc. Vì bà không bao giờ có thể bày tỏ lòng yêu mến Ngài theo cách này nữa. Như Chúa Jêsus giải thích, hành động của bà đã nói trước việc Ngài được chôn cất, Ngài đã đón nhận tình cảm dạt dào và đắt giá của bà cách nồng nhiệt (Mác 14:6-8).
Giu-đa Ích-ca-ri-ốt đã khơi mào cho điệp khúc quở trách Ma-ri vì sự lãng phí tài nguyên quý giá này, nếu xét theo bề ngoài; dầu thơm và hương liệu hảo hạng có giá trị tiền tệ lâu dài vào thời đó, giống như rượu vang hảo hạng hoặc tác phẩm nghệ thuật ngày nay. Chắc chắn những người nghèo sẽ cần số tiền bán dầu thơm hơn. Mặc dù Chúa Jêsus đã giao phó Giu-đa phụ trách vấn đề tiền bạc cho người nghèo, nhưng môn đồ phản bội này lại là một tay trộm cắp, ông đã trộm lấy số tiền tích lũy được (Giăng 12:6). Mác liên kết chặt chẽ tình tiết này với tấm lòng tham lam của Giu-đa, vì trong vòng một ngày, ông đã thương lượng được ba chục miếng bạc cho bản thân (Mác 14:10).
Mặc dù không có giải thưởng nào từ thế gian khi bạn yêu mến Chúa Jêsus, nhưng Ngài sẽ ban phần thưởng của Ngài (I Cô-rinh-tô 3:10-14). Ở đây, Ngài cũng hứa rằng việc loan báo Tin Lành cần phải đi kèm câu chuyện về đức tin, tình yêu, và hy vọng của Ma-ri. Điều đó nói lên tầm quan trọng của việc nắm bắt thời điểm để bày tỏ tình yêu của chúng ta lớn như thế nào. Nếu việc đó quan trọng trong mối quan hệ giữa con người với nhau, thì với Chúa Jêsus, nó còn quan trọng hơn biết mấy! Hành động thể hiện sự tận hiến đòi hỏi sự tham gia của tất cả chúng ta, cũng như suy nghĩ, lời nói, và việc làm của chúng ta. Những hành động phục vụ hoặc tặng phẩm tưởng chừng như không cần thiết lại có thể là cơ hội duy nhất trong đời để phục vụ Chúa Jêsus cách đặc biệt và kịp thời, sứ đồ Phao-lô mô tả những tặng phẩm thiết thực được gửi vào tù cho ông chính là dầu thơm được đổ ra để dâng lên cho Đấng Christ (Phi-líp 4:14-18).
Tiểu sử của các Cơ Đốc nhân hết lòng với Chúa luôn truyền cảm hứng (một số được viết cho trẻ em để truyền cảm hứng cho thế hệ tiếp theo), và câu chuyện này là một trong số đó. Việc cho người nghèo những gì chúng ta có thể cho đi là rất quan trọng, nhưng điều cần yếu hơn là tôn vinh Chúa Jêsus bằng cách dâng trọn những gì chúng ta có cho Ngài. Thật vậy, làm từ thiện từ số tiền dư thừa của chúng ta có thể là cách để trấn an lương tâm khi Chúa Jêsus đòi hỏi phải dâng tất cả những gì chúng ta có (Lu-ca 21:1-4). Câu chuyện này khuyên chúng ta đừng bao giờ trì hoãn sự phục vụ của chúng ta cho Chúa Jêsus, và đừng bao giờ ngã lòng trước điều mà những người hoài nghi nói về chúng ta. Có lẽ bạn đã được nhắc nhở bày tỏ tình yêu của bạn với Chúa Jêsus theo cách cụ thể. Nếu vậy, đừng chậm trễ!
Kính lạy Chúa Jêsus. Con thật sự yêu Ngài. Xin Chúa tha tội cho con vì con đã giữ lại thời gian và năng lượng của con, những gì con sở hữu và những gì con tạo ra, những gì con có được và những gì con cất giữ từ Ngài. Xin Chúa cho phép con bày tỏ sự tận hiến của con đối với Ngài bằng cách trở thành chứng nhân cho Phúc Âm vì sự vinh hiển của Ngài. Con cầu nguyện nhân danh Chúa Jêsus. Amen.
Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work