Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Chúa Jêsus quan trọng hơn tôi

Kinh Thánh: Mác 1:6-7

“Giăng mặc áo lông lạc đà, buộc dây lưng da ngang hông; ăn những châu chấu và mật ong rừng. Người giảng dạy rằng: Có Đấng quyền phép hơn ta đến sau ta; ta không đáng cúi xuống mở dây giày Ngài.” (BTT)

Giăng không phải là một người có ngoại hình đẹp và thói quen ăn uống của ông cũng không phải là điều mọi người ưa thích. Nhưng thực đơn thường ngày của Giăng gồm mật ong rừng và châu chấu thì đủ dinh dưỡng và được luật pháp Môi-se cho phép (Lê-vi Ký 11:22). Ông không bận tâm đến việc phải làm điều đúng về mặt chính trị bởi vì nhiệm vụ của Giăng không phải là làm cho mình được xã hội chấp nhận, mà là hướng mọi người đến với Chúa Jêsus. Có điều gì đó mang biểu tượng tiên tri trong cách ăn mặc của Giăng (Xa-cha-ri 13:4). Ê-li cũng mặc áo choàng bằng lông thú và thắt lưng bằng dây da (2 Các Vua 1:8); còn tiên tri Ma-la-chi liên kết sứ mệnh của Giăng Báp-tít với sứ mệnh của Ê-li (Ma-la-chi 4:5). Đó là những chi tiết nhỏ giúp mọi người thấy rằng Giăng là một phần trong kế hoạch của Đức Chúa Trời – giống như Ê-li, ông đang kêu gọi dân sự của Đức Chúa Trời nhớ lại giao ước. Sự ăn năn là chủ đề của Ê-li, và vì thế đó cũng là chủ đề giảng dạy của Giăng.

Sau 400 năm không có lời tiên tri nào kể từ sách Ma-la-chi, sứ điệp của Giăng “hãy sẵn sàng cho sự hiện đến của Đức Chúa Trời” là sứ điệp cuối cùng vang lên khắp Y-sơ-ra-ên trước khi Chúa Jêsus bắt đầu chức vụ. Tuy nhiên, trọng tâm sứ điệp của Giăng không chỉ để lên án tội lỗi mà còn để công bố Chúa Jêsus là Chiên Con của Đức Chúa Trời, Đấng cất tội lỗi thế gian (Giăng 1:29). Trái ngược với một người quan trọng đầy quyền phép như vậy, Giăng tự cho mình là thấp hơn những kẻ thấp kém. Trong thời đó, nô lệ phải cởi giày và rửa chân cho khách; nhưng Giăng cảm thấy mình không xứng đáng đến mức không thể làm nô lệ của Chúa Jêsus để cởi dây giày cho Ngài.

Giăng cũng nhận được sứ điệp về sự ăn năn. Sứ điệp mà ông rao giảng, trước tiên chạm đến chính tấm lòng của ông. Ông nhận biết rằng ông cũng là một tội nhân và cần được Chúa Jêsus làm phép báp-têm (Ma-thi-ơ 3:13-14). Giăng không tốt hơn những người mà ông giảng dạy; Giăng cũng vừa mới tiếp nhận sứ điệp. Chúng ta cũng không thể vui thích việc được mọi người xung quanh ngưỡng mộ, nếu nhiệm vụ của chúng ta là suy tôn Chúa Jêsus và dẫn người khác đến với Ngài. Khi chúng ta thu hút mọi người đến với mình, thì đó là lúc phải dừng lại! Quá nhiều hoạt động “bắc cầu” của Cơ Đốc nhân không khích lệ được bất cứ ai bước qua chiếc cầu đó để đến với Chúa Jêsus, bởi vì chúng ta ngăn chặn cây cầu đó. Làm cầu nối cho con người có thể không thoải mái lắm vì bạn bị chà đạp và cảm thấy mình bị lợi dụng, nhưng nếu mọi người có thể đến với Chúa Jêsus qua bạn, thì bạn đã làm tốt công việc của mình.

Nỗi ám ảnh thời hiện đại về việc “cảm thấy tốt về bản thân” sặc mùi suy đồi đạo đức. Tại sao chúng ta phải đề cao những ý tưởng ngoại giáo là khôn ngoan, khi chúng ta biết rằng sự kính sợ Chúa mới là khởi đầu của sự khôn ngoan? Không bao giờ có được sự vững chắc bằng cách tự khẳng định mình, bởi vì Đức Chúa Trời tạo dựng chúng ta là những tạo vật với cảm giác bất an trừ khi chúng ta đặt Ngài lên trên hết. Vì vậy, ngay hôm nay, thay vì “trở thành một người nào đó” hoặc tìm kiếm sự yêu mến của người khác, thì hãy thử hạ cái tôi của mình xuống. Đừng lo lắng về việc đánh mất cơ hội nhận vinh quang ngày hôm nay. Vinh quang có thể đợi đến khi vào cõi đời đời. Dù thế nào, Chúa Jêsus đã nói rằng những ai tìm kiếm và nhận được vinh quang ngày hôm nay sẽ đánh mất nó ngày mai. Thay vào đó, hãy chọn vâng phục những người trên mình và phục vụ những người xung quanh như một nhân chứng cho sự thật rằng bạn biết mình chỉ là đầy tớ của Chủ.

Lạy Cha Thánh, cảm ơn Ngài về lời Ngài kêu gọi phải ăn năn và hạ mình trước mặt Chúa Jêsus. Xin hãy tha thứ cho con vì lòng ham muốn muốn được chú ý và tôn vinh. Xin giúp con nhìn thấy Ngài rõ ràng hơn ngày hôm nay và nhận lấy vai trò làm tôi tớ của Ngài. Trong danh Chúa Jêsus. Amen!

Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work

Là Hội Thánh Tin Lành đầu tiên tại Sài Gòn, trực thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, được thành lập năm 1920.
Sứ mệnh Hội Thánh:
“TẤT CẢ VÌ NGƯỜI CHƯA ĐƯỢC CỨU”

© 2024. Bản quyền thuộc về Hội Thánh Tin Lành Sài Gòn